Theo đó, thời gian hồ Dầu Tiếng xả tràn xuống sông Sài Gòn đợt 10 năm 2022 bắt đầu từ 7 giờ ngày 7/9 đến 7 giờ ngày 16/9, với lưu lượng xả nước qua tràn 150m3/s; tổng lượng xả lên đến 103,68 triệu m3 nước.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương cho biết, với lưu lượng xả 150m3/s để đưa mực nước hồ Dầu Tiếng về mực nước cao nhất trước lũ theo quy trình vận hành trong mùa lũ, có thể gây ngập úng cục bộ các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn khi có mưa to.
Để chủ động phòng tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của xả tràn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương dọc sông Sài Gòn, như huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Thuận An và Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp ứng phó.
Các đơn vị chủ động triển khai phương án ứng phó ngập lụt với các tình huống mưa lớn và xả tràn hồ Dầu Tiếng; tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về thiên tai, xả lũ hồ chứa; thông tin kịp thời đến Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất.
Bên cạnh đó, để đề phòng sạt lở bờ sông, các đơn vị cũng cần tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở và vận động, di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và khu vực trũng thấp bị ngập lụt; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra mưa lớn, xả tràn gây ngập lụt, sạt lở bờ sông.