Nam Bộ và Nam Trung Bộ nỗ lực ứng phó hạn mặn

Trước tình hình diễn biến phức tạp do hạn mặn kéo dài, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam vừa xả 7,13 triệu m3 nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng về tỉnh Long An để tưới tiêu và tạo nguồn đẩy mặn, giữ ngọt trên sông Vàm Cỏ Đông, qua đó giúp nhân dân ổn định sản xuất và duy trì nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Vận chuyển nước ngọt hỗ trợ người dân huyện Cần Giuộc, Long An.
Vận chuyển nước ngọt hỗ trợ người dân huyện Cần Giuộc, Long An.

Tình hình hạn mặn vẫn diễn biến phức tạp, trên diện rộng, người dân khu vực Nam Bộ và các tỉnh Nam Trung Bộ đang cần các biện pháp hỗ trợ ứng cứu từ địa phương, các bộ, ngành để giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân...

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất

Một trong những địa phương bị tác động rõ rệt của hạn mặn, biến đổi khí hậu do El Nino là tỉnh Bến Tre. Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 41-60 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 53-72 km.

Hạn hán, xâm nhập mặn làm nhiều vùng tại tỉnh Bến Tre bị thiếu nước sinh hoạt. Nhiều địa phương, người dân thiếu nước ngọt được các cơ quan, tổ chức, mạnh thường quân chở nước đến cung ứng miễn phí cho người dân sử dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương tại khu vực cù lao Long Thành (xã Sơn Phú và xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm), người dân chưa tiếp cận được nguồn nước sạch. Đáng lo, có khoảng 807 hộ dân của xã Tân Hưng (huyện Ba Tri) bị thiếu nước sinh hoạt.

Hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến diện tích lúa của địa phương. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, có khoảng 31 ha lúa trên địa bàn xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm) bị chết và nguy cơ không có năng suất do ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây (cách cửa sông ra biển từ 90-110 km) đã làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp tại một số huyện thiếu hụt nước ngọt để tưới.

Cụ thể, các địa phương Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Thạnh Hóa, Đức Hòa và thành phố Tân An có khoảng 4.642 ha cây chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng bị giảm năng suất.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 hộ dân các xã Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Lại (huyện Cần Giuộc) và Long Can, Long Định (huyện Cần Đước) thiếu nước ngọt sử dụng.

Giải pháp nước ngọt cho người dân sử dụng là mở lại giếng nước của Công ty Bằng Tâm đã tạm dừng khai thác, cùng với đó các đơn vị cấp nước tư nhân điều tiết nước, vận chuyển nước đến một số khu vực thiếu; các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức chở nước ngọt từ vùng thượng nguồn về hỗ trợ cho người dân sử dụng, tuyên truyền tiết kiệm nước.

Khu vực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương đang đối mặt với tình trạng hạn hán, kể cả nhiễm mặn đã tác động đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân.

Nông dân Đỗ Hội ở thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải lo lắng kể: “Mạch nước ngầm tại rẫy trồng hai sào (2.000 m2) cây hành tím đã bị cạn, tôi chỉ còn cách cố nạo vét một cái hố giữa đáy lòng hồ Ông Kinh cách rẫy khoảng 1,5 km để tìm nguồn nước và lắp ống để bơm nước cứu hai sào hành tím đang chuẩn bị thu hoạch. Để đủ nước cho mỗi lần bơm tưới, máy bơm phải vận hành liên tục hai ngày, đêm”.

Thiếu nước tưới, nên phần lớn diện tích trồng cây hành tím của ông Hội bị thối rễ, cây sinh trưởng kém. Đây cũng là lo lắng chung của nhiều hộ trồng trọt như ông Hội, nếu nắng nóng kéo dài không đủ lượng nước phục vụ tưới tiêu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải Nguyễn Khắc Hòa cho biết, hiện có hơn 150 ha đất sản xuất tại các xã: Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải và khu vực hồ Thành Sơn thuộc xã Xuân Hải bị ảnh hưởng nặng; khoảng 1.484 hộ/5.836 khẩu ở một số địa phương thiếu nước sinh hoạt.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, tính đến ngày 22/4, tổng lượng nước tích tại 23 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn hơn 186 triệu/417 triệu m3 tổng dung tích thiết kế.

Từ giữa tháng 3, tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không còn nước sản xuất. Các hồ chứa nước, đập thủy lợi cũng xảy ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước.

Trong đó, nhiều thôn ở xã Hàm Cần, xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) đã không còn nước sản xuất, phần lớn vườn thanh long bị hư hỏng do không có nước tưới. Đơn cử, khu vực thôn 1, thôn 3 thuộc xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) dù có đường ống nước sinh hoạt nhưng cũng không có nước để dùng.

Ông Nguyễn Minh, một người dân ở thôn 1 cho hay, nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước thì ngày có ngày không, nên nhiều người phải ra các khe suối để lấy nước. Những giếng khoan cũng phải đào sâu hơn 50-60 m nhưng cũng bị nhiễm phèn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cũng đưa ra cảnh báo, trên địa bàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nếu không có mưa, các địa phương này có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống khoảng 33.000 hộ dân/99.543 nhân khẩu.

Xả mặn, điều tiết ưu tiên nước cho tưới tiêu

Nam Bộ và Nam Trung Bộ nỗ lực ứng phó hạn mặn ảnh 1

Hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn cho các địa phương. (Ảnh QUÝ HIỀN)

Ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam nhận định, hiện mực nước hồ Dầu Tiếng ở cao trình 20,03m, thấp hơn năm 2023 là 0,78m và cao hơn trung bình nhiều năm là 0,14m.

Tuy nhiên, mực nước hồ cũng xuống trung bình từ 6-7 cm/ngày. Đáng lo ngại, hạn hán, nắng nóng kéo dài càng làm triều cường và xâm nhập mặn vào sâu nên cần một nguồn nước lớn để pha loãng trong khi mực nước hồ thì ngày càng xuống thấp và cạn kiệt.

Ông Hùng cho hay, đơn vị hồ Dầu Tiếng đã phối hợp các hồ chứa ở thượng nguồn Sông Bé nắm bắt thông tin vận hành xả nước để chủ động chuyển nước từ hồ Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng với tổng lượng nước dự kiến trong mùa cạn năm 2024 khoảng 600 triệu m³.

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh ở cấp độ 4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Để phòng chống hạn, mặn hiệu quả trước mắt và phục vụ lâu dài cho những năm tiếp theo với mục tiêu tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh cho người dân, Long An kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ hơn 157 tỷ đồng kinh phí phòng chống hạn, mặn năm 2023-2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 21 nhà máy độ mặn nước cấp dưới 0,5‰ và 46 nhà máy độ mặn nước cấp ra trên 1‰.

Các địa phương đang thực hiện cấp nước ngọt tập trung qua hệ thống RO tại các nhà máy nước ở nông thôn và đồng vận chuyển nước bằng sà-lan về nhà máy nước để cung cấp cho người dân.

Sở này cũng tiếp tục đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trương Khắc Trí, tỉnh đã có hai phương án để ứng phó với nắng hạn.

Cụ thể, nếu nắng nóng kéo dài và đến tháng 5/2024 mà địa bàn tỉnh vẫn không có mưa, thì vụ hè thu năm 2024 sẽ triển khai theo phương án 1, là chỉ tổ chức sản xuất khoảng 24.102 ha cây trồng các loại và nuôi trồng thủy sản (tạm dừng sản xuất hơn 7.500 ha so với cùng kỳ năm 2023).

Trường hợp đến tháng 5, địa bàn tỉnh có mưa thì sẽ điều tiết nước phục vụ sản xuất tại khu tưới của tất cả 23 hồ chứa, toàn bộ khu tưới của hệ thống Sông Pha, Nha Trinh-Lâm Cấm và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý để tưới cho tổng diện tích sản xuất toàn tỉnh là 29.265 ha (tạm dừng sản xuất 1.785 ha so với cùng kỳ năm 2023).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước đề nghị, về lâu dài Nhà nước cần đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt sử dụng nguồn nước thô từ các hồ chứa thủy lợi, công trình thủy lợi, các tuyến sông lớn kết nối các hệ thống nước đã có theo quy hoạch.

Cụ thể, đầu tư Nhà máy nước Sông Lũy tại hồ Sông Lũy (huyện Bắc Bình), đầu tư Nhà máy nước Suối Đá tại hồ chứa nước Suối Đá (huyện Hàm Thuận Bắc), đầu tư Nhà máy nước Gia An (huyện Tánh Linh).

Với vai trò là hồ thủy lợi lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết: Để xử lý vấn đề xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông nói chung và đẩy, pha loãng mặn tại trạm bơm Hòa Phú cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp (TP Hồ Chí Minh) cũng như tỉnh Tây Ninh và Long An, từ đầu mùa cạn đến nay, ngoài lượng nước đã xả duy trì dòng chảy sau đập khoảng 300 triệu m³, công ty đã xả tràn tám đợt để đẩy, pha loãng mặn khoảng 55 triệu m³.

Gần đây, công ty đã và đang xả hơn 7 triệu m³ nước về sông Vàm Cỏ Đông để khống chế ranh mặn ở mức <2g/lít tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An tạo nguồn cấp nước giúp bà con nhân dân ổn định sản xuất, tưới tiêu và duy trì nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt.