Cùng với hai vở diễn của các đoàn nghệ thuật công lập là “Lời thề” (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng) và “Đến bờ bên kia” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), sân khấu thành phố cảng còn góp thêm tiếng nói của đơn vị nghệ thuật xã hội hóa - Câu lạc bộ Sân khấu Điểm hẹn với vở diễn “Đối thoại âm dương”.
Ở vở rối “Lời thề” (tác giả: nhà văn Nguyễn Hiếu-NSƯT Lê Chức; đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng), có thể thấy rõ những nỗ lực sáng tạo của ê-kíp khi khai thác kịch bản chính luận về đề tài chống tham nhũng, tiêu cực bằng ngôn ngữ rối que. Lấy chất liệu từ lễ hội truyền thống Minh Thề gắn liền những lời thề lấy chí công làm trọng, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không xâm phạm của công, vở diễn chuyển tải những thông điệp đầy giá trị thời sự thông qua cốt truyện dung dị, nhẹ nhàng.
Vì mong có cháu nối dõi, xã trưởng ép Đào phải lấy cậu con trai không mấy bình thường của mình và bù lại sẽ phân mảnh đất công cho Định-người yêu Đào để cha con Định không còn phải chịu cảnh lênh đênh sông nước. Khi mọi chuyện vỡ lở đã trở thành cái cớ để dẫn đến những lời thề trong lễ hội... Dấu ấn thử nghiệm thể hiện rõ nét ở bố cục sân khấu ba tầng, tạo nên chiều sâu, độ khoáng đạt cho không gian biểu diễn. Đặc biệt, cả ba tầng diễn đều sử dụng toàn bộ màn hình led thay thế cho màn che, phông nền sân khấu.
Nhờ thế, bối cảnh được thay đổi liên tục, uyển chuyển, tạo mạch diễn xuyên suốt cho vở diễn. Điều thú vị là để khỏa lấp những hạn chế của con rối trong diễn tả nội tâm nhân vật, ê-kíp sáng tạo đã có nhiều xử lý tài tình trong việc huy động, xử lý yếu tố ánh sáng, âm thanh giúp đẩy cảm xúc của người xem lên cao. Ở một số cảnh, các diễn viên là người thật cũng được huy động lộ diện trên sân khấu, trở thành yếu tố bổ trợ góp phần tạo nên sự sống động, nhộn nhịp hơn cho bối cảnh vở diễn…
Đoàn Kịch nói Hải Phòng tham gia Liên hoan với vở diễn "Đến bờ bên kia". (Ảnh: haiphong.gov.vn) |
Kịch nói “Đến bờ bên kia” (tác giả: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp; biên tập kịch bản: Cao Phương Dung; đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai) chinh phục người xem bằng cách giải mã một kịch bản vốn được xem là thách thức với sân khấu khi dàn dựng. Vở diễn không thật sự có nhân vật chính. Trên chuyến đò đi tìm bản ngã, nhà trí thức, nhà sư, lái buôn, lái đò, cô giáo, trẻ con, tướng cướp... lần lượt trở thành nhân vật trung tâm với những đoạn thoại của riêng mình. Để rồi, hiện thực xã hội cứ thế được phơi bày trên hành trình đấu tranh giữa thiện và ác.
Sự xuất hiện của giàn khung lớn tượng trưng cho hình ảnh con đò trong không gian diễn xuất, cùng những thử nghiệm đầy tinh tế trong xử lý kịch bản, trong cách diễn của diễn viên đã gợi lên cho người xem nhiều tự vấn, nghĩ suy về những mặt sáng-tối nơi mỗi con người... Trong khi đó, vở diễn “Đối thoại âm dương” (tác giả: Nguyễn Hoàng Nam; đạo diễn: NSƯT Lê Hải) tạo được điểm nhấn với cách xử lý không gian sân khấu sáng tạo, cùng việc tái hiện những lớp đối thoại âm-dương.
Trao đổi tại hội thảo bên lề Liên hoan về ba vở diễn của Hải Phòng, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: Mỗi vở diễn đều mang đến màu sắc riêng với những dấu ấn sáng tạo riêng. Dù vẫn còn đôi chỗ cần bàn thêm trong khâu sáng tạo nhưng các vở diễn đã khẳng định sự chăm chút nghiêm túc, công phu, mang tới nhiều bất ngờ cho đồng nghiệp và thích thú cho bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự thành công chung của Liên hoan.
Việc Hải Phòng tự tin mang đến ba vở trong tổng số gần 20 vở diễn tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm-sân chơi đòi hỏi nhiều cách tân trong sáng tạo nghệ thuật không chỉ cho thấy độ “chịu chơi” của địa phương, mà còn cho thấy sự quan tâm đầu tư của ngành văn hóa Hải Phòng đối với sự phát triển nghệ thuật. Đặc biệt là khi các vở diễn không chỉ dàn dựng để dự thi, mà còn được lên kế hoạch phát sóng trên truyền hình cũng như tổ chức lưu diễn để phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố cảng.
Đây là chủ trương đã được Hải Phòng đẩy mạnh thực hiện thông qua đề án “Sân khấu truyền hình” khởi động từ tháng 11/2019. Trong khi nhiều địa phương phải sáp nhập hoạt động của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn thì Hải Phòng vẫn đang duy trì đủ năm đoàn nghệ thuật ở các loại hình: kịch nói, chèo, cải lương, múa rối, ca múa nhạc. Với đề án “Sân khấu truyền hình”, tất cả các loại hình nghệ thuật này đều được đầu tư dàn dựng thành tác phẩm, chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân.
Theo Báo cáo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng về hiệu quả thực hiện đề án, sau ba năm triển khai, đề án đã tổ chức thành công 37 chương trình sân khấu, trong đó 20 chương trình được truyền hình trực tiếp và 17 chương trình được ghi hình phát sóng. Đặc biệt, có 5 số được Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn phát sóng cả nước. Cùng với đó, 250 buổi lưu diễn về các chương trình đã được Hải Phòng tổ chức tại 15 quận, huyện, thu hút sự đón xem, hưởng ứng của đông đảo người dân.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai khẳng định: Chương trình “Sân khấu truyền hình” Hải Phòng đã trở thành thương hiệu, điểm hẹn văn hóa, điểm sáng của cả nước. Đặc biệt, ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chương trình vẫn mang đến những món ăn tinh thần cho nhân dân cả nước và thành phố. Các chương trình đã và đang góp phần phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tạo động lực tinh thần, sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ, nâng cao đời sống tinh thần, thẩm mỹ cho nhân dân...
“Sân khấu truyền hình” Hải Phòng đã trở thành thương hiệu, điểm hẹn văn hóa, điểm sáng của cả nước. Đặc biệt, ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chương trình vẫn mang đến những món ăn tinh thần cho nhân dân cả nước và thành phố.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai
Năm 2023, Sở đề nghị tiếp tục được thực hiện 12 chương trình, vở diễn với tần suất phát sóng một số/tháng về các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, hiện đại, dân gian. Nội dung các chương trình, vở diễn được cân nhắc lựa chọn từ hơn 50 kịch bản và xin ý kiến của các cấp, ngành liên quan...