Hình thành thói quen tốt cho người tham gia giao thông

Một trong những vấn đề có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cử tri và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua đó là quy định về cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Quy định trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Tại phiên họp lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, vấn đề này thêm một lần nữa tiếp tục được đưa ra mổ xẻ, phân tích trong phiên thảo luận về những vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới, hiện nay, vẫn còn hai luồng ý kiến trái chiều. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Ưu điểm của ý kiến này là đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt; số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia giảm. Mục đích của việc cấm này là để phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng; có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệch kết quả xử lý.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, việc giảm sử dụng rượu, bia góp phần trực tiếp giảm hơn 30 căn bệnh nguy hiểm và giảm gián tiếp hơn 100 căn bệnh khác do sử dụng rượu, bia gây ra.

Tại hội thảo “Tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông đường bộ” do Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) phối hợp Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức vừa qua, theo báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 770.600 trường hợp lái xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Tính trung bình, mỗi ngày lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết: Chúng ta luôn luôn mong muốn mọi người ra đường phải được bình an, “đi đến nơi, về đến chốn”, giao thông phải được trật tự, an toàn, thông suốt; chính vì vậy, loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông.

Bộ Công an cũng đề xuất tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Bày tỏ nhất trí với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Qua thời gian thực hiện, quy định cấm nêu trên đã đi vào cuộc sống và được đông đảo người dân đồng tình, đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng thời làm giảm các vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, hạn chế của ý kiến này là nghiêm khắc và tác động đến thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam; ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương; giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất nhằm đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người đã sử dụng rượu, bia được điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, không làm ảnh hưởng các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta và gián tiếp cho nhiều người lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. Quy định này cũng tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới.

Thực hiện Kế hoạch số 635/KHPH-BCA-BYT giữa Bộ Công an và Bộ Y tế, hai đơn vị đã tiến hành việc đánh giá tình hình tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia.

Theo ý kiến của các nhà khoa học, nếu để quy định này sẽ tăng số vụ tai nạn giao thông, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác.

Đánh giá mức xử phạt hành chính đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn hiện nay tương đối cao, có tính răn đe tốt, tuy nhiên TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt.

Thí dụ người uống 5 cốc bia hay người uống 30 cốc bia đều có thể bị phạt ở mức như nhau, điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.

Vì vậy, ông Minh đề xuất nếu vi phạm nồng độ cồn vượt mức 3 vẫn nên phân tách thành các mức phạt hành chính cao hơn. Tài xế vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến mất hoàn toàn kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc thì cần xử lý hình sự.

Tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1 quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Việc chọn phương án nào để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành đều hướng tới mục tiêu bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.