Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức…

NDO - Không có phép màu dưới lớp bùn đất trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Người thân, đồng đội, bạn bè từng giây nghẹt thở dõi theo nhịp gàu múc của các phương tiện tìm kiếm. 4 trái tim đã ngừng đập, trong đó có 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông Lâm Đồng. Các anh đã đi xa, nhưng hình ảnh “vì nhân dân phục vụ” còn mãi trong ký ức người ở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Công an tại lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" và quyết định của Bộ trưởng Công an cho thân nhân liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Khắc Thường.
Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Công an tại lễ trao bằng "Tổ quốc ghi công" và quyết định của Bộ trưởng Công an cho thân nhân liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Khắc Thường.

Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông chốt đèo Bảo Lộc trước lúc hy sinh đang cùng người dân vần đá để xe lưu thông thuận lợi trên đèo, qua thước phim ngắn ngủi của ai đó đưa lên mạng xã hội, sẽ còn “neo” mãi trong ký ức của nhiều người. Đó là hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tôi đã nhiều lần xem lại đoạn phim ngắn nhạt nhòa trong mưa đó và không thể cầm nén nước mắt khi biết câu chuyện của ba liệt sĩ đã được “Tổ quốc ghi công”.

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc trao bằng "Tổ quốc ghi công" cho thân nhân gia đình liệt sĩ Lê Ánh Sáng.

1. “Tui vô để chuẩn bị đám cưới con, nhưng chừ lại chờ để đưa xác con về”, ông Lê Ngọc Vĩnh (72 tuổi, quê xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh) hai mắt đỏ hoe, giọng thắt nghẹn. Đại úy Lê Ánh Sáng, Trạm Cảnh sát giao thông Madagui, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Lâm Đồng - con trai ông đã mãi rời xa vòng tay cha mẹ, chưa kịp trao chiếc nhẫn nguyện ước với người con gái mình yêu.

Liệt sĩ, Đại úy Lê Ánh Sáng là một trong ba cán bộ, chiến sĩ thuộc Trạm cảnh sát giao thông Madagui, hy sinh trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc hôm 30/7. Thi thể anh và 2 đồng đội bị vùi lấp dưới đất đá, nhiều giờ sau mới được tìm thấy.

Hôm 31/7, trong dòng người đến thắp nén hương tiễn biệt Đại úy Sáng tại ngôi nhà trên đường Nguyễn Khuyến, thành phố Bảo Lộc, tôi vội vàng nắm chặt tay người cha của anh và hỏi thăm, chia sẻ những lời ngắn ngủi. Có nỗi đau nào hơn…!

Trong tiếng nhạc Hồn sĩ tử thê lương, từng người, từng người không thể cầm nén dòng lệ, lặng lẽ dâng hoa, thắp nén hương tiễn biệt người chiến sĩ trẻ.

Dõi theo sự việc từng giây, từng phút, họ đều mong có “phép màu” nhưng chỉ là huyền thoại. Sáng đã hòa vào bóng tối mãi mãi, nhưng hình ảnh anh vẫn mãi sáng ngời trong nỗi nhớ thương của người thân, bạn bè, đồng đội.

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm hỏi, chia buồn cùng cha của liệt sĩ, Đại úy Lê Ánh Sáng.

Đứng cạnh linh cữu con trai, người cha già chân chất thôn quê ức nghẹn khi ai đó thăm hỏi, vỗ về. “Nó là đứa hiền lành, hiếu thảo. Ai ngờ nó bỏ tui mà đi như rứa”, ông Vĩnh quặn lòng. Trong nhiều dự định còn dang dở, người thân tiếc nuối nhất là ngày cưới của Sáng đã cận kề, hai gia đình cũng đã đính hẹn tổ chức lễ cưới trong tháng 9.

Nhưng giờ thì... “Tui vô với cha nó, cứ nghĩ là chuyến đi hạnh phúc, nhưng giờ chờ để đưa linh cữu nó về. Đau quá…”, người chú của Đại úy Sáng nghẹn giọng.

Nam Tây Nguyên mùa mưa. Mưa như gột rửa những nỗi đau quặn thắt. Ở quê hương Sáng, vùng đất bên sông Ngàn Mọ lại nóng từ trời đất đến lòng người. Nay đọc báo thấy đồng nghiệp dẫn lời bà Hoàng Thị Xuyến, mẹ Đại úy Sáng: “Mẹ may xong áo dài rồi sao con không về làm đám cưới…”, mà không thể kìm lòng.

2. Thước phim những chiến sĩ cảnh sát giao thông chốt đèo Bảo Lộc trước lúc hy sinh đang cùng người dân vần đá để xe lưu thông thuận lợi trên đèo vẫn còn đó. Màu áo chiến sĩ cảnh sát giao thông hòa màu áo nhân dân vẫn còn đó, nhưng Đại úy Lê Ánh Sáng, Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành đã đi xa, bỏ lại những cung đường thân quen trên hành trình công tác.

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 3
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông chốt đèo Bảo Lộc cùng người dân vần đá để xe lưu thông thuận lợi trên đèo được chia sẻ trên mạng xã hội.

Hôm 1/8, người thân nhận tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, quyết định truy thăng cấp bậc hàm của các anh mà lòng quặn thắt. Tại nhà liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Khắc Thường ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, nhiều người thân, bạn bè, đồng đội vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe hung tin về anh.

Nhiều người không kìm được nước mắt khi thấy chị Phương ôm hai con vấn khăn tang, thẫn thờ trước di ảnh chồng. Những đứa trẻ còn thơ dại nhưng đều biết chuyện, biết mình đã rời xa hơi ấm người cha, từ nay không được nghe lời răn dạy của cha nữa đã bật khóc tức tưởi.

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 4

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến thăm hỏi, động viên thân nhân liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Khắc Thường.

Ngày 30/7, thành phố Bảo Lộc trút mưa tầm tã. Trên tuyến đèo Bảo Lộc có nhiều điểm bị sạt lở, đá rơi, cây ngã đổ. Lực lượng Trạm cảnh sát giao thông Madagui trên đèo Bảo Lộc được huy động để phối hợp xử lý, bảo đảm an toàn giao thông. Sau khi trở về, trạm bất ngờ bị hàng nghìn tấn đất đá sạt lở, vùi lấp một phần, trong đó có 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông vừa cùng người dân vần đá rơi trên đèo và thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Linh tính mách bảo, chị Phương nhấc máy gọi chồng liên tục nhưng chẳng thấy hồi âm. Chị bủn rủn tay chân, thấp thỏm. Sau đó thì ngã qụy khi nhận thông tin, trong số 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị vùi lấp trong vụ sạt lở có chồng mình. “Tôi không thể đứng vững, cầu nguyện cho chồng và đồng đội bình an, nhưng rồi không có phép màu”, chị Phương giàn giụa nước mắt.

Người thân Trung tá Thường kể, do điều kiện công tác, anh thường ở lại đơn vị, tuần về thăm vợ con đôi ngày cuối tuần. Ngày thường, vợ ít được gần chồng, con ít được gặp cha, nhưng có thể vẫn được nghe giọng nói thân thương, hình ảnh trìu mến qua điện thoại. Nhưng giờ họ đã xa nhau mãi mãi…

3. Ngày 1/8, phố núi Đà Lạt đã bớt sụt sùi, nhưng khung cảnh tại gia đình Thiếu tá Lê Quang Thành lại rưng rưng, đẫm lệ. “Nghe tin vụ việc xảy ra, anh em trong đơn vị ai cũng bàng hoàng. Không có phép màu xảy ra, các anh không còn được trở về…”, một đồng đội của Thiếu tá Thành xót thương.

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 5
Thứ trưởng Công an Lê Văn Tuyến và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng viếng các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc.

Tôi còn nhớ như in lời tâm sự nghẹn ngào của Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, rằng mùa mưa, lực lượng cảnh sát giao thông phải 100% thực hiện nhiệm vụ, căng mình để tuần tra bảo đảm an toàn giao thông. Mọi việc diễn ra nhanh quá, anh em vừa phối hợp khắc phục một số điểm sạt lở trên đèo, khi quay trở lại trạm thì gặp nạn. Có anh em chưa kịp ăn cơm…

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 6

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Công an tỉnh tại hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc.

Các anh không còn cơ hội trở về, nhưng hình ảnh các anh mãi ở trong lòng người thân, bạn bè, đồng đội và cả những người chưa từng quen biết, khi hình ảnh cuối cùng của các anh cùng người dân vần đá trên đèo Bảo Lộc, qua thước phim ngắn ai đó quay trong mưa vẫn còn đó và còn mãi.

Hình ảnh các anh đã “neo” vào ký ức… ảnh 7

Từ trái sang: Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành và Đại úy Lê Ánh Sáng. (Ảnh: Bộ Công an).

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công”, Bộ trưởng Công an quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, gồm: Trung tá Nguyễn Khắc Thường (sinh năm 1981, quê quán huyện Nam Sách, Hải Dương), Thiếu tá Lê Quang Thành (sinh năm 1977, quê quán huyện Triệu Phong, Quảng Trị) và Đại úy Lê Ánh Sáng (sinh năm 1990, quê quán huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).