Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, riêng trong giai đoạn 2011-2022, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng toàn quốc là hơn 23 nghìn tỷ đồng để chi trả cho 270 nghìn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, 231 ban quản lý, 96 công ty lâm nghiệp và 358 chủ rừng khác. Nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ hơn 7,3 triệu ha rừng, chiếm 49,6% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Tuy nhiên, tiềm năng mở rộng dịch vụ môi trường rừng vẫn còn rất lớn, điển hình là tiềm năng dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Những nội dung này cũng đã và đang được hiện thực hóa thông qua các thỏa thuận giữa Việt Nam và tổ chức, đối tác quốc tế.
Kết quả nghiên cứu tại hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, hiện còn nhiều loại dịch vụ môi trường rừng có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được triển khai. Đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon, riêng đối với hai địa bàn trên, nơi có hơn 285 nghìn ha rừng, 90% là rừng tự nhiên, chủ yếu thuộc khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ cho nên có trữ lượng rất lớn, khả năng hấp thụ và lưu giữ các-bon cao.
Đối với dịch vụ cung cấp nguồn nước từ rừng để nuôi trồng thủy sản, thì tại Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông) được giao quản lý 2.600 ha diện tích mặt nước hồ thủy điện Đồng Nai 3 (hồ Tà Đùng) rất phù hợp để thực hiện loại hình dịch vụ này. Còn tại Lâm Đồng, với điều kiện khí hậu, thời tiết, hệ thống sông, hồ đa dạng, cũng có nhiều tiềm năng để cung cấp nguồn nước từ rừng cho nuôi cá nước lạnh...
Tuy vậy, hiện nay, việc áp dụng để thực hiện triển khai loại hình dịch vụ giàu tiềm năng nói trên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đến từ việc chính sách còn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể,… hoặc rừng một số địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán, khó xác định đối tượng cung ứng, chi phí triển khai cao.
Để triển khai xây dựng mô hình mở rộng loại hình dịch vụ lưu giữ và hấp thụ các-bon rừng tại tỉnh Lâm Đồng, các chuyên gia đã đưa ra một số vấn đề cần lưu ý để đáp ứng các tiêu chuẩn các-bon rừng, như quy định về chống mất rừng và chống suy thoái rừng tự nhiên, quy định về đất cho trồng rừng, quy định về loại rừng cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh,… ngoài ra còn có các quy định về quyền sở hữu rừng và sở hữu các-bon, hay quy định về chuyển nhượng các-bon rừng.
Một số mô hình định hướng mở rộng loại hình dịch vụ lưu giữ và hấp thụ các-bon rừng cần được tăng cường hơn nữa năng lực cho các ban quản lý rừng phòng hộ để nâng cao chất lượng rừng, quản lý và phục hồi lại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang trồng cây nông nghiệp bằng các phương thức nông lâm kết hợp nhằm tăng khả năng hấp thụ các-bon, nâng cao năng lực quản trị cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.
Nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã tận dụng sinh cảnh tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái, mang lại nguồn thu đáng kể. Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà hiện đã triển khai dịch vụ cung cấp cảnh quan cho du lịch với nguồn thu đạt từ 1,5-1,6 tỷ đồng/năm.
Đối với Vườn quốc gia Tà Đùng, nơi có hệ sinh thái đặc trưng với hệ động thực vật phong phú, có giá trị bảo tồn và phòng hộ đầu nguồn thì tiềm năng phát triển du lịch sinh thái là rất lớn, như du lịch tự nhiên, du lịch nhân văn gắn với giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần vườn quốc gia,… Để mở rộng nguồn thu từ du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, ngoài việc sử dụng bộ máy nhân sự hiện có, thì cần liên kết với các tổ chức, cá nhân hay cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.
Trong vài thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu và định giá khí thải CO2 là những vấn đề đang được các quốc gia quan tâm trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Định giá khí thải CO2 là cơ chế để các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Do vậy, việc thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng dựa trên nguyên tắc người gây phát thải khí nhà kính phải trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng đang trở thành cần thiết hơn bao giờ hết.
Việt Nam đã tham gia ký Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, theo đó Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã ban hành Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết, theo đó, đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thí điểm, tổng kết, trình Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu trữ các-bon của rừng.
Đây chính là cơ hội để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Việc tăng nhanh các nguồn thu từ dịch vụ môi trường còn giúp nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng ổn định, bền vững ■