Hiệu quả từ chăn nuôi dúi

Mô hình chăn nuôi dúi của gia đình anh Cao Lợi ở xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, được đánh giá khá nhàn nhã trong khâu chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi và đầu tư chăn nuôi, giờ tổng đàn dúi của gia đình mình có 300 cặp bố mẹ, cho thu nhập khá lắm”, anh Cao Lợi kể.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình chăn nuôi dúi của gia đình anh Cao Lợi đạt hiệu quả kinh tế.
Mô hình chăn nuôi dúi của gia đình anh Cao Lợi đạt hiệu quả kinh tế.

Năm 2018, sau khi nắm bắt thông tin về hiệu quả của mô hình chăn nuôi dúi, anh Lợi đã lặn lội đến nhiều cơ sở tại thành phố Đà Nẵng để tìm tòi, học hỏi và nhập giống về gây dựng mô hình tại vùng đất có khí hậu phù hợp ở huyện Đức Trọng.

Lâu nay nguồn sinh kế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào 3 ha cà-phê. Thấy việc canh tác độc canh cà-phê khá bấp bênh, để gia tăng thu nhập, anh bắt đầu tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trên nhiều báo điện tử chuyên ngành, mạng xã hội.

Nhận thấy mô hình chăn nuôi dúi ít vốn đầu tư ban đầu, dễ thực hiện, ít tốn công chăm sóc và đầu ra tốt, anh liền bàn với vợ triển khai thử nghiệm.

“Lúc đó, tôi mua 15 cặp dúi giống từ một cơ sở tại Đà Nẵng với giá khoảng 1,4 triệu đồng/cặp. Khi di chuyển về không may 3 cặp bị chết. Số còn lại, gia đình bắt đầu nuôi thử và chỉ sau 6 tháng, đàn dúi lần lượt sinh sản, gia tăng số lượng”, anh Cao Lợi kể.

Từ vài chuồng ban đầu, hiện khu trang trại của gia đình anh được mở rộng lên 120m2 và được lắp đặt 330 chuồng dúi để nuôi 300 cặp dúi bố mẹ, dúi thịt.

Ở các chuồng đều được thiết kế kẽ hở nhỏ phần đáy để dúi đẩy chất thải và thức ăn dư thừa ra ngoài, bảo đảm vệ sinh chuồng trại.

“Mỗi ngày, tôi chỉ mất khoảng 15 phút để dọn dẹp chuồng trại và cho dúi ăn. Đối với dúi trưởng thành, mỗi ngày cho ăn 1 lần, với khẩu phần bao gồm 1 lóng mía dài 5 cm, thẻ tre tươi 4x20 cm kết hợp 15 hạt bắp khô. Đây là những thứ rất phổ biến ở vùng nông thôn”, anh Lợi cho biết.

Theo anh Lợi, mô hình chăn nuôi dúi đầu tư khá rẻ, khu trang trại gia đình anh chỉ tận dụng nhà kho khoảng 120m2, sau đó tráng nền để bảo đảm vệ sinh và dùng gạch men (loại ốp tường hoặc lát nền nhà) để ngăn chuồng theo từng ô, dùng keo silicon dán các góc tiếp giáp để cố định.

“Mình tạo chuồng nuôi theo hình khối vuông 50 cm, mỗi ô nuôi 1 cặp dúi bố mẹ hoặc nuôi dúi thịt, dúi sinh sản”, anh Lợi chia sẻ.

Để ngăn chặn các loại côn trùng, muỗi gây hại đàn dúi, anh Lợi tiến hành lắp đặt màng lưới trên các ô nuôi.

Theo chủ trang trại, nền nhiệt ở vùng này rất phù hợp để nuôi dúi. Bởi loài này phát triển mạnh với nền nhiệt từ 25 đến 32oC. Tuy nhiên, khu vực trang trại cũng phải thực hiện các biện pháp chống nóng, chống lạnh phù hợp; khu vực chuồng trại không được quá sáng.

“Nuôi dúi không tốn nhiều thời gian, chi phí đầu tư, nhưng người chăn nuôi cần kiểm tra, nắm bắt sớm biểu hiện một số bệnh để phòng ngừa và tình hình sinh trưởng mới mang lại hiệu quả”, anh Lợi cho biết.

Theo tính toán, với điều kiện khí hậu lý tưởng ở Lâm Đồng, đàn dúi nuôi sinh trưởng tốt, mỗi năm sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi dúi mẹ sinh từ 3 đến 4 dúi con.

Đối với dúi thịt, sau khoảng từ 6 đến 8 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2,3 kg và có thể bán ra thị trường. Hiện, với 300 cặp dúi bố mẹ, mỗi tháng gia đình anh Cao Lợi cung ứng ra thị trường từ 30 đến 40 cặp dúi giống.

Tùy trọng lượng mà dúi giống có giá khác nhau, loại từ 0,4 đến 0,5kg có giá 1,2 triệu đồng/cặp; lớn hơn có giá từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng.

Đối với dúi bố mẹ có giá 3,5 triệu đồng/cặp. Cùng với bán dúi giống, trang trại gia đình anh Lợi cũng bán dúi thịt cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, với giá dao động từ 650 đến 800 nghìn đồng/kg, mỗi năm cho tổng doanh thu vài trăm triệu đồng.