Hiệu quả đồng vốn cho người nghèo

NDO - Trong những năm qua, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Thọ. Đây là nguồn động lực về tinh thần và vật chất để nhiều hộ nghèo thoát khỏi cảnh nghèo khó vươn lên phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình sinh sống.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo.
Người dân xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo.

Cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nội dung trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ nghèo. Chương trình đã kịp thời tiếp sức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đòn bẩy để người dân thoát nghèo

Thực hiện chương trình tín dụng cho người nghèo, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hạ Hòa đã có nhiều giải pháp giúp người nghèo được tiếp cận nguồn vốn, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Tính đến hết tháng 7/2022, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 485 tỷ đồng với hơn 12 nghìn khách hàng vay vốn. Trong đó, có 3.530 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay trị giá hơn 226 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 46,5%.

Năm 2019, gia đình ông Nguyễn Ngọc Bảng ở khu 11 xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Sau khi rà soát và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn thủ tục vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế, gia đình ông đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng để đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp với trồng cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên kinh tế gia đình đã vơi bớt khó khăn.

Đến nay, gia đình ông Bảng đã thoát nghèo. Ông Bảng chia sẻ, nếu dừng lại ở hộ mới thoát nghèo thì nguy cơ tái nghèo sẽ rất cao do không có vốn để đầu tư tiếp. Nên gia đình đang tính toán tiếp tục vay vốn từ các nguồn khác để mở rộng chuồng trại, quy mô sản xuất. Có thể nói, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình ông vượt qua khó khăn.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Bảng, gia đình ông Nguyễn Văn Đăng ở khu 3, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ từng là hộ nghèo nhiều năm. Do không có nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình ông.

Đầu năm 2021, được Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Phú Thọ tạo điều kiện cho gia đình ông vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, gia đình ông quyết định mua một cặp trâu giống và 300 con vịt. Sau 6 tháng chăm sóc, cặp trâu đã sinh sản, đàn vịt đã cho thu hoạch trứng. Lứa nọ gối lứa kia, dần dần cũng đàn gia súc, gia cầm ngày nhiều.

Đến nay, mỗi tháng gia đình cũng để dư được ít tiền vừa trả gốc, vừa sửa lại ngôi nhà xuống cấp từ lâu. Hiện nay, kinh tế gia đình ông đã tạm ổn, không còn lo đến cái ăn như thời gian trước.

Ông Đăng chia sẻ, nguồn vốn vay từ ngân hàng là động lực để nhiều hộ nghèo như gia đình ông phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hiệu quả đồng vốn cho người nghèo ảnh 1
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Phú Thọ kiểm tra sổ vay hộ nghèo tại thị xã Phú Thọ.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hạ Hòa, chương trình tín dụng chính sách xã hội là chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách; có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.

Nguồn vốn trên như “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng

Vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được chuyển tới hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách với quy trình thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi đã giúp nâng cao nhận thức của người vay, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà tích cực sản xuất kinh doanh có hiệu quả… Nhờ vậy, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao.

Tại Phú Thọ, những năm gần đây, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật.

Kết quả từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 15.000 hộ thoát nghèo. Trong số đó, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã và đang phát huy hiệu quả và có hiệu ứng rất tích cực trên địa bàn tỉnh.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 5.513 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng, trong đó có 2.887 lượt hộ nghèo và 2.626 lượt hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đây là chương trình có số dư nợ đứng thứ hai trong 20 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ khẳng định, nguồn tín dụng ưu đãi này đã trao “cần câu” giúp hàng nghìn hộ mới thoát nghèo thêm điểm tựa tài chính vững chắc để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Do vậy, để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của chính sách góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững, kể từ ngày 30/3/2021, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.

Đồng thời, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ nghiên cứu đề nghị xem xét cho phép đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo lên tối đa là 5 năm, kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm. Sự điều chỉnh này sẽ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân mới thoát nghèo.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ tiếp tục có những chính sách phù hợp để hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng khác một cách hiệu quả. Chủ động phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2022 theo mục tiêu đề ra.