Thông tin kinh tế:

Hậu Giang phát huy vai trò tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, việc thực hiện đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Tín dụng chính sách trở thành “điểm tựa”, là “đòn bẩy” để các đối tượng thụ hưởng vươn lên, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình đan lục bình giúp giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình đan lục bình giúp giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo.

Điểm tựa cho gia đình chính sách, hộ nghèo

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhiều ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy thuộc diện hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi lươn với diện tích đất ít ỏi quanh nhà. Năm 2020, chính quyền địa phương giới thiệu ông vào Tổ hợp tác nuôi lươn của ấp và được xét cho vay 40 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).

Với số vốn trên, ông Nhiều thả nuôi 10.000 con lươn giống, sau một năm thu hoạch được hơn tấn lươn thịt. Nhờ vào Tổ hợp tác, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, nên sản phẩm thu hoạch được công ty bao tiêu với giá 160 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 90 triệu đồng.

Ông Nhiều bộc bạch: “Cũng nhờ chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, đặc biệt là nguồn vốn của NHCSXH đã đem đến cho những người nghèo như chúng tôi “chiếc phao” là điểm tựa vững chắc để bà con vươn lên. Cuối năm 2021, tôi đã tình nguyện trả lại sổ hộ nghèo”.

Không những là điểm tựa, đòn bẩy giúp bà con thoát nghèo mà nguồn vốn chính sách còn giúp họ vươn lên làm giàu thông qua những mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình như trường hợp của ông Lê Văn Trọng ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, từ hộ nghèo nhiều năm liền, vươn lên thoát nghèo, trở thành “ông chủ” một cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Ông Trọng kể rằng, ban đầu, chính quyền địa phương, hội phụ nữ vận động, tạo điều kiện cho vợ chồng ông tham gia học nghề đan đát, dần dần hình thành mô hình đan lục bình gia công. Thấy nhiều bà con cũng tham gia, năm 2012 NHCSXH cho ông vay 30 triệu đồng để mua nguyên liệu cho bà con đan.

Không những là điểm tựa, đòn bẩy giúp bà con thoát nghèo mà nguồn vốn chính sách còn giúp họ vươn lên làm giàu thông qua những mô hình sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Chỉ một năm sau tổ hợp tác đan lục bình ra đời, sản phẩm làm ra đều được một công ty ở Cần Thơ tiêu thụ hết. Nhờ vậy, chẳng những giúp cuộc sống gia đình ông từng bước ổn định hơn mà còn giải quyết việc làm cho 50 lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định hàng tháng.

Không dừng lại ở đó, năm 2016, ông Trọng tiếp tục vay nâng lên 50 triệu đồng để mở rộng mô hình, sắm phương tiện vỏ, máy để vận chuyển, mua nguyên liệu, đồng thời hướng dẫn đào tạo nghề thêm thợ đan đát.

Năm 2022, ông Trọng tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư cho nguyên vật liệu, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương. Đến nay, cơ sở của ông Trọng đã giải quyết việc làm cho trên 400 lao động, có thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Ông Trọng chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Kết quả này cũng nhờ có nguồn vốn của NHCSXH, không chỉ bản thân tôi mà còn giúp cho hơn 400 lao động ở đây không phải đi làm ăn xa”.

Theo Chi nhánh NHCSXH Hậu Giang, thông qua tín dụng chính sách, đến nay đã giúp cho gần 85 ngàn hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 30 ngàn lượt lao động; giúp hơn 46 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng cải tạo hơn 320 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường; hỗ trợ vốn để xây dựng gần 11.200 căn nhà ở, trong đó có 2.561 căn nhà trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng ĐBSCL; hỗ trợ xây dựng hơn 8.270 ngôi nhà cho hộ nghèo; mua mới, xây dựng và sửa chữa 345 căn nhà cho người có thu nhập thấp,....

Việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Hậu Giang phát huy vai trò tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Mô hình nuôi bò từ vốn chính sách giúp hộ ông Võ Văn Diệu ở ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ thoát nghèo.

Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang, phương thức cho vay của chi nhánh chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay giúp chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả đồng vốn.

Đồng thời, NHCSXH lồng ghép các chương trình tín dụng với các chương trình, dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.

Từ hai chương trình tín dụng ban đầu, đến nay chi nhánh đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đạt tổng dư nợ gần 3.300 tỷ đồng, tăng gấp 75,1 lần so với nguồn vốn nhận bàn giao khi mới thành lập (năm 2004). Về Chất lượng tín dụng của Chi nhánh được xếp loại tốt; có 8/8 đơn vị phòng giao dịch cấp huyện xếp loại tốt. Về chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, có 2.100/2.164 tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 97%), không có tổ xếp loại yếu.

Tuy nhiên, qua thực tế còn một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, đó là: Hiện nay nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn Hậu Giang là rất lớn, nhưng nguồn vốn hiện nay rất hạn chế.

Mức cho vay tối đa theo quy định đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (hiện nay là 10 triệu đồng/công trình) còn chưa phù hợp với thực tế, người dân không đủ tiền để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn, cần xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình này với mức 20 triệu đồng/công trình. Xem xét có cơ chế và dành nguồn lực cho vay đối với đối tượng là các hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững...

Tại hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, cho rằng: Để tiếp tục phát huy vai trò tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội các cấp trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác, chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác vốn vay, đảm bảo mục tiêu tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.