Theo Sở Tư pháp Hậu Giang, hiện tỉnh cơ bản có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh. Các văn bản ban hành đều được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà nước và nhân dân; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Về thẩm quyền, hình thức, thể thức văn bản cơ bản đáp ứng theo yêu cầu, hạn chế thấp nhất những sai sót về kỹ thuật trình bày. Về nội dung, các văn bản ngày càng phản ánh sát với thực tế, phù hợp và kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp pháp luật, đối tượng thực thi văn bản, thực trạng của vấn đề mà văn bản quy định và quy luật phát triển của đời sống xã hội. Về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản ngày càng được các cơ quan, đơn vị coi trọng, đặc biệt là các khâu, các bước cần thiết bảo đảm chất lượng của từng văn bản…
Tại buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, địa phương cũng nêu rõ những hạn chế trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà nhiều đơn vị, địa phương đang gặp phải,đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh tương đối toàn diện, đã và đang điều chỉnh hiệu quả các mặt của đời sống xã hội; các văn bản được ban hành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản được nâng lên; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai đồng bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Với những hạn chế nêu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tính chủ động, kịp thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên giao để tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản kịp thời.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, chính sách không phù hợp nhằm bảo đảm hoàn thiện thể chế trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhiệm kỳ 2019-2023; tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tham mưu ban hành văn bản đúng trình tự, thủ tục.
Cùng với đó, tham mưu xây dựng văn bản quy định chi tiết nội dung được giao tại các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương bảo đảm chất lượng, tiến độ, phù hợp tình hình thực tế của địa phương; không để xảy ra tình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết.
Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo văn bản, đặc biệt là các dự thảo có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm kiện toàn, bố trí công chức pháp chế đáp ứng trình độ chuyên môn; tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ pháp chế, công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.