Hậu Giang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số

Sau 3 năm triển khai thực hiện xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tuần lễ Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 diễn ra nhiều hoạt động thiết thực.
Tuần lễ Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 diễn ra nhiều hoạt động thiết thực.

Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, Hậu Giang đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thể hiện rõ quan điểm, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những kết quả bước đầu

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, xác định hạ tầng là tiền đề quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã dành nguồn lực khá lớn để từng bước hoàn thiện về hạ tầng công nghệ. Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin của Hậu Giang đã có trung tâm dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP; trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC, hệ thống Giám sát an toàn không gian mạng SOC; dữ liệu dân cư tỉnh Hậu Giang.

Các nền tảng số cơ bản đã hoạt động hiệu quả như: Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy,…Kinh tế số, xã hội số của tỉnh bắt đầu được hình thành.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G, thí điểm triển khai phủ sóng mạng 5G tại thành phố Vị Thanh. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan đảng, nhà nước được triển khai đến các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã.

Tỉnh đã thành lập được 600 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 3.500 thành viên tham gia, tại các ấp, khu vực trên địa bàn, từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đã có hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ quản trị, sản xuất và kinh doanh.

Hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cập nhật 1.851 thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. 100% cơ quan nhà nước tham gia Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, 99% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được ký số và gửi trên hệ thống. 105 sản phẩm OCOP của tỉnh và 1.506 sản phẩm nông sản đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart.

Đặc biệt, hệ thống đã liên thông và cập nhật thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.047 thủ tục mức độ 3, 4. Đối với ứng dụng app Haugiang đã có gần 70.000 lượt cài đặt. Ứng dụng di động này cho phép người dân tra cứu thông tin về lịch công tác, thời tiết, thị trường và tương tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua đánh giá về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2021 và 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tỉnh Hậu Giang vẫn giữ vững thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số (tăng 11 bậc so với năm 2020). Đây là 3 “trụ cột” trong công tác chuyển đổi số mà Hậu Giang đã tập trung triển khai thực hiện thời gian qua.

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, trong năm 2022 tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện gắn với chuyển đổi số, tiêu biểu là Tuần lễ thúc đẩy Chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang. Đầu năm 2023, Hậu Giang tiếp tục tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023, với nhiều hoạt động thiết thực, đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khá mạnh mẽ.

Hiện nay, hầu hết cán bộ công chức và người dân Hậu Giang cũng đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số, dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, với các hoạt động như: Sử dụng các nền tảng số, mạng xã hội, mua bán hàng qua mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt,…

Anh Nguyễn Văn Nhạc, ở phường 4, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Bây giờ chuyển đổi số đã không còn xa lạ. Rất nhiều người đã biết sử dụng các tiện ích số để giải quyết công việc cá nhân nhanh và tiện lợi hơn. Như thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, đóng tiền học, mua sắm không dùng tiền mặt... Không chỉ vậy, ở các cơ quan nhà nước khi áp dụng chuyển đổi số đã giúp người dân chúng tôi thuận tiện hơn khi thực hiện những thủ tục hành chính”.

Tăng cường mời gọi nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ số

Hiện nay, các dự án, nhiệm vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực và các địa phương của tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư, như: Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Du lịch, Lưu trữ, Đô thị, Môi trường, Dân tộc, Nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông, tư pháp - hộ tịch, …

Để thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghệ thông tin hiện tại, tỉnh đã thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang với diện tích khoảng 28,5ha, trên đường 19/8, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Khu này triển khai gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và giai đoạn xây dựng các phân khu chức năng. Hiện nay, đã có 5 doanh nghiệp cam kết đầu tư vào khu công nghệ số này.

Hậu Giang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ảnh 1

Mô hình chợ 4.0 góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Đồng Văn Thanh, về chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, đối với chính sách chung (trên địa bàn thành phố Vị Thanh), thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 2 năm, giảm 50% không quá 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới. Miễn tiền thuế đất, thuê mặt nước trong thời hạn 15 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (có ngành công nghệ thông tin).

Đối với chính sách riêng cho Khu Công nghệ số tỉnh, ưu đãi về dịch vụ viễn thông của nhà cung cấp VNPT và Viettel, miễn phí cước đấu nối hòa mạng dịch vụ Internet, giảm 50% cước phí sử dụng dịch vụ Internet trong 3 năm đầu tiên đối với các gói cước trong nước và quốc tế, giảm từ 30% đến 50% phí triển khai các ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp…

Trên tinh thần tất cả sự đầu tư của doanh nghiệp vào Hậu Giang, tỉnh luôn dành chính sách đặc biệt, tốt nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. “Ngoài chính sách ưu đãi, chúng tôi có quan điểm thống nhất từ trên xuống dưới là “1 văn hóa, 1 ngôn ngữ”, không có chuyện “trên trải thảm, dưới rải đinh”. Các thủ tục hành chính chúng tôi giảm tối đa 50% về mặt thời gian”. Với phương châm“Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đầu tư vào Khu Công nghệ số. Trong đó, ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm để đầu tư vào khu công nghệ số, vì sự phát triển của doanh nghiệp cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh”.