Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số - từ tầm nhìn đến thực tế

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) tổ chức Hội thảo quốc tế năm 2023 chủ đề “Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số - Từ tầm nhìn đến thực tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu với Hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu với Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự có đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý; các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là sự kiện khoa học do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức 2 năm một lần, nhằm trao đổi, thảo luận những vấn đề về lãnh đạo, quản trị, quản lý phát triển mới, có tác động sâu sắc đến thế giới, khu vực và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Sự kết hợp giữa công nghệ, thể chế và con người trong quá trình chuyển đổi số đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm về chiến lược phát triển rút ngắn và về con đường phát triển “đi tắt, đón đầu” của các quốc gia đi sau, trong đó Việt Nam. Tuy nhiên, cần thấy rằng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo muốn thành công không đơn thuần chỉ dựa vào công nghệ, mà cần dựa trên sự kết hợp giữa cả ba yếu tố: công nghệ, thể chế và con người. Điều này đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm về chiến lược phát triển rút ngắn và về con đường phát triển “đi tắt, đón đầu” của những nước đi sau, trong đó có Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, nhờ đó, trong những năm qua đã mang lại kết quả nổi bật. Kết quả năm 2023 vừa được công bố cho thấy, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với một số nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và trong việc đưa đổi mới sáng tạo trở thành một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Động lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số - từ tầm nhìn đến thực tế ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cùng các nhà khoa học tham gia Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, để vượt qua được những thách thức trên cần nhấn mạnh 4 nhóm vấn đề, cũng có thể được coi là 4 trụ cột của động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã định hướng các vấn đề Hội thảo cần tập trung, thảo luận làm sâu sắc hơn.

Tại Hội thảo các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước, đã cùng chia sẻ tri thức về: Lý luận, cơ sở học thuật và thực tiễn về đổi mới sáng tạo và các vấn đề trọng tâm. Những vấn đề này bao gồm: Đánh giá một cách toàn diện những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung phân tích, đánh giá các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hiện hành về khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế; chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và bài học về đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò của đổi mới sáng tạo như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng đối với Việt Nam.

Các đại biểu cũng thảo luận, kiến nghị các giải pháp nâng cao năng lực khoa học công nghệ quốc gia; hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ khoa học và công nghệ; để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo đã đạt các mục tiêu tạo ra một diễn đàn để thu hút, quy tụ các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước, trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, AVSE toàn cầu, triển khai nghiên cứu và chia sẻ tri thức về: Lý luận, cơ sở học thuật và thực tiễn về đổi mới sáng tạo. Theo đó, các đại biểu thảo luận về vai trò, động lực, các thuận lợi và khó khăn trong đổi mới sáng tạo trong bối cảnh số; xây dựng một số khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực công; tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu cũng thảo luận về việc huy động vai trò của các tổ chức ngoài nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách tạo động lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh số nhằm phát triển bền vững; phát triển hệ thống thông tin tham khảo nhằm phục vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo, quản lý các cấp; phát triển năng lực nghiên cứu, quản trị dự án nghiên cứu, giảng dạy cho đội ngũ cho cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.