Lâm Đồng triển khai đồng bộ công cuộc chuyển đổi số

Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng triển khai mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số đồng bộ, khoa học và toàn diện, với mục tiêu, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thật sự có hiệu quả gắn với chuyển đổi xanh, tạo ra những giá trị mới trong quá trình hội nhập và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt.
Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt.

Với quan điểm, nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, Lâm Đồng đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số, để từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển ba trụ cột chính là "chính quyền số, xã hội số và kinh tế số".

Hình thành nhiều nền tảng số

Tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các huyện, thành phố và các ngành nhằm chủ động triển khai kế hoạch chuyển đổi số; tuyên truyền, quán triệt các chỉ đạo, hướng dẫn chuyển đổi số kịp thời. Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.

Riêng năm 2023, tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trực thuộc; khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược chuyển đổi số trên những lĩnh vực, như báo chí, thông tin cơ sở, nông nghiệp, đô thị...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng, Tiến sĩ Phạm S cho biết, hiện tất cả các xã trong tỉnh có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã thực hiện chuyển giao tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; tất cả các xã, phường, thị trấn đã phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ bao phủ đạt 100% khu dân cư) và đã triển khai thí điểm 6 điểm phát sóng 5G.

Lâm Đồng cũng đã hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh. Trong đó, hoàn thành kết nối 15/23 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin với trục kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Minh Hải cho biết, tỉnh đã triển khai thí điểm ứng dụng công dân số, cùng với thành lập 142 tổ công nghệ số cộng đồng đơn vị cấp xã, hơn 1.360 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố. Gần 10 nghìn thành viên tổ công nghệ số tham gia hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công, tiếp cận, sử dụng và hướng dẫn nộp và tra cứu hồ sơ nộp trực tuyến, ứng dụng định danh điện tử-VneID, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Thời gian qua, tại khu vực thành thị và nông thôn ở các địa phương tỉnh Lâm Đồng, chuyển đổi số đã và đang chuyển động, đi vào đời sống thực chất và có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, quá trình phát triển kinh tế.

Đơn cử, như Đơn Dương đang xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, với mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững, trở thành kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Thành phố Đà Lạt xây dựng thành phố thông minh.

"Ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh đã mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho chính quyền và người dân. Hiện Đà Lạt đã hoàn chỉnh việc cung cấp các công cụ để người dân và doanh nghiệp tìm hiểu, tra cứu khi có nhu cầu; minh bạch, công khai cơ sở dữ liệu trên nhiều lĩnh vực", Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết.

Tại lễ vinh danh và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2022, do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức, thành phố Đà Lạt được trao giải lĩnh vực "thành phố điều hành và quản lý thông minh". Tại lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng được trao giải ở hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, với ứng dụng "Công nghệ thông tin trong công tác quản lý lưu trú".

Hiện các nền tảng số đã và đang triển khai tại Lâm Đồng, như địa chỉ số, bản đồ số (cơ sở dữ liệu đất đai), nền tảng ứng dụng GIS trong quản lý phát triển đô thị; tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước, dạy học trực tuyến, hóa đơn điện tử, truy xuất nguồn gốc nông sản, hồ sơ sức khỏe điện tử...

Cùng với những nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội, như sàn thương mại điện tử, trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC), trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC).

"Chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo hiện tại và tương lai. Đây còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ.

Xây dựng và vận hành các trung tâm IOC

Ngày 12/10, Trung tâm điều hành thông minh (Trung tâm IOC) tỉnh Lâm Đồng chính thức khai trương, đưa vào vận hành, đánh dấu bước đột phá trong xây dựng chính quyền số.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng có nhiều nét khác biệt với các trung tâm giám sát điều hành thông minh ở các tỉnh, thành phố và có nhiều đặc tính tương đồng với Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng tập trung thu thập, xử lý, các thông tin kinh tế-xã hội và nhiều lĩnh vực theo tần suất ngày, tuần, tháng, quý hay năm, tùy theo quy định chỉ tiêu, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Hiện hệ thống hiển thị số liệu cho 283 tiêu chí, có chế độ cảnh báo những chỉ tiêu chưa đạt, chỉ đạo các đơn vị giải trình trên hệ thống, chế độ báo cáo nhanh, hiển thị biểu đồ trực quan, có tính năng tích hợp các camera thông minh từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với các cơ sở dữ liệu có sẵn, các cơ sở dữ liệu sẽ được đầu tư thêm, được tích hợp để tạo cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của địa phương trên các lĩnh vực, giúp công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được nhanh chóng, theo thời gian thực.

Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng đã được kết nối số liệu trực tiếp từ Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với 5 chỉ số.

"Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Đồng thời, Trung tâm góp phần đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 8/12 huyện, thành phố, cùng Sở Giáo dục và Đào tạo xây dụng, đưa vào vận hành Trung tâm IOC. Địa phương đang nỗ lực tăng tốc để tất cả các huyện còn lại và một số sở, ngành tiến hành xây dựng, đưa vào hoạt động trung tâm IOC.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 9, Trung tâm IOC huyện Đơn Dương chính thức được địa phương đưa vào vận hành, khai thác. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương Dương Đức Đại cho biết: "Trung tâm IOC đi vào hoạt động là tiền đề quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử; thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong thực hiện chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ người dân ngày càng tốt hơn".

Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng và trung tâm IOC của các huyện, thành phố, sở, ngành trong tỉnh chính thức vận hành; cùng những kết quả đạt được bước đầu trong chuyển đổi số, cho thấy sự quan tâm của địa phương trong đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo ra những giá trị mới trong quá trình hội nhập và phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S thông tin: "Quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong triển khai chuyển đổi số là lấy người dân làm trung tâm. Đó chính là xã hội số, từ đó thúc đẩy hai trụ cột còn lại là chính quyền số và kinh tế số phát triển bền vững".