Hậu Giang cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin

NDO - Ngày 19/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Tư pháp Lê Thành Long, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Hậu Giang trong phát triển kinh tế-xã hội.

Nổi bật là tỉnh Hậu Giang đã xác định và tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, Bộ trưởng cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị Hậu Giang cần tiếp tục phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, chủ động, tham mưu thực hiện các công tác trong thẩm quyền.

Hậu Giang cũng cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhất là, tỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách và triển khai đồng bộ hệ thống các văn bản mang tính định hướng chiến lược, tính chi phối, tạo nền tảng cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 nhanh, bền vững.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu kinh tế đều tăng so cùng kỳ.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, chăn nuôi phát triển, quy mô và diện tích nuôi thủy sản tiếp tục được mở rộng.

Thị trường hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trong 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống và các loại hình kinh doanh dịch vụ khác đều tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả tốt, giải ngân đầu tư công được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) quý I/2023 của tỉnh đạt 12,67%, tăng cao hơn so cùng kỳ (quý I/2022 tăng 4,69%), lần đầu tiên tăng trưởng của tỉnh được xếp đạt mức cao nhất cả nước.

Các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), cải cách hành chính (PAR index) và hài lòng của người dân và tổ chức (SIPAS) năm 2022 tăng từ 5 bậc đến 26 bậc so năm 2021.

Đáng chú ý, chỉ số PCI Hậu Giang lần đầu tiên tăng 26 bậc lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng cả nước và thứ 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Tỉnh chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, trong đó, có 2 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh.

Mặc dù Hậu Giang có mức tăng trưởng GRDP cao trong những năm gần đây, nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế do xuất phát điểm thấp.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, việc liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản chưa được nhiều.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đạt thấp so kế hoạch (đạt 25,7%). Nguyên nhân là do tỉnh đang triển khai rất nhiều công trình, dự án trọng điểm phải thu hồi đất, nên tiến độ giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...