Hành trình lưu dấu nghề truyền thống Việt

Để hoàn thành cuốn sách ảnh “Nghề truyền thống Việt”-tựa tiếng Anh là Vietnam’s Traditional Crafts, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã dành hơn 10 năm ngược xuôi từ bắc chí nam, miệt mài tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện và chụp lại những khoảnh khắc bình dị mà đẹp đến nao lòng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong và cuốn sách “Nghề truyền thống Việt”.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong và cuốn sách “Nghề truyền thống Việt”.

Trong 34 năm gắn bó với nhiếp ảnh, Trần Thế Phong có cơ hội đi đó đây, gặp gỡ nhiều nghệ nhân và nghe họ kể chuyện, nhìn cách họ bảo tồn nghề truyền thống. Từ sự cảm mến, khâm phục ấy, những bức ảnh về nghề truyền thống Việt ngày càng nhiều trong máy. Anh đến nhiều tỉnh, thành phố, vào tận các làng nghề để trò chuyện, ghi chép và chụp ảnh. Từ hơn 20 nghìn tệp ảnh lưu lại ký ức về 66 làng nghề trên khắp cả nước, Trần Thế Phong quyết định chọn ra 45 bộ ảnh theo tiêu chí ưu tiên tính đặc trưng và thủ công. Với anh, đó là 45 lát cắt mang nét độc đáo của các vùng miền, mang cả hơi thở cuộc sống của dân tộc Việt.

Từ nghề làm giấy bản (Cao Bằng), nghề đúc gang Mỹ Đồng (Hải Phòng), nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Bình), nghề làm tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), nghề làm gốm Bát Tràng (Hà Nội), nghề làm nón lá (Thừa Thiên Huế), nghề dệt lụa Mã Châu (Quảng Nam) đến nghề làm mành trúc Củ Chi, nghề làm lồng đèn (Thành phố Hồ Chí Minh), nghề làm xơ dừa (Bến Tre), nghề dệt thổ cẩm (An Giang)..., hình ảnh dễ bắt gặp trong các khung hình do nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tạo ra chính là sự chịu thương, chịu khó của người thợ thủ công.

Gương mặt đôi khi thấm mệt nhưng ánh mắt họ luôn lấp lánh niềm vui. “Những con người tôi gặp dọc miền đất nước khi tích góp dữ liệu cho cuốn sách đặc biệt này đều có điểm chung là yêu nghề, quyết bám nghề đến cùng dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có người ngồi cả ngày trời chỉ kiếm được vài chục nghìn nhưng vẫn muốn giữ cho làng nghề không mất đi. Có người dành trọn tâm huyết truyền nghề cho rất đông học trò rồi chỉ lác đác vài người trụ lại, vậy mà họ chưa hề có ý định bỏ cuộc, đổi thay. Tôi trân quý và muốn tôn vinh họ. Tôi gọi đây là cuốn sách hạnh phúc vì trong quá trình thực hiện nó, tôi may mắn được nghe rất nhiều câu chuyện hay”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.

Khi thấy kho tư liệu tích góp hơn 10 năm ngày càng đầy, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong dành gần một năm để lọc ảnh, chuẩn bị phần nội dung cho cuốn sách. Lọc ảnh là công đoạn mất nhiều thời gian nhất vì số lượng ảnh quá lớn. Câu chữ cũng được tác giả chọn lựa kỹ càng, sao cho vừa súc tích, vừa bảo đảm lượng thông tin cần thiết phục vụ việc quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đất nước. Nhưng quan trọng nhất, anh muốn truyền cảm hứng tìm hiểu nghề truyền thống Việt đến bạn đọc khắp nơi.

Trong cuốn sách dày 200 trang lần này, điều khiến Trần Thế Phong tâm đắc là làm bật được vẻ đẹp bình dị, gần gũi của các nghệ nhân và những người thầm lặng gắn bó với nghề truyền thống. Họ tin bằng tình yêu ấy, nghề truyền thống sẽ được bảo tồn, phát triển dù cuộc sống hiện đại đặt ra khá nhiều thử thách.

Các làng nghề rải rác dọc miền đất nước, việc tiếp cận người trong cuộc là cả hành trình dài, khó về thời gian lẫn tài chính. Có nơi phải đi lại năm đến bảy lần mới hoàn thành một bộ ảnh, không ít nhân vật hẹn mãi vẫn chưa gặp được... Nhưng rồi, chính sự nhẫn nại đã đem lại kết quả vượt mong đợi. Các bộ ảnh thể hiện rõ tính chất của nghề truyền thống và cả cái tình của người làm nghề nguyện gắn bó dài lâu.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết: Đây là cuốn sách được anh chăm chút kỹ nhất. Bên cạnh việc giới thiệu nét đẹp về nghề truyền thống đến độc giả trong nước, anh còn muốn chung tay quảng bá văn hóa, di sản Việt đến bạn bè quốc tế. Là ấn phẩm đặc biệt, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong quyết định chỉ in giới hạn 100 cuốn với chất lượng giấy được chọn lọc. Giấy in ảnh và giấy lót được chọn từ giấy mỹ thuật của Italia. Bìa sách là chất liệu giấy của Hà Lan. Phần bìa hộp đựng sách giấy các-tông của Phần Lan.

Trong mỗi sách, anh đính kèm thêm một tờ giấy được mua từ làng nghề làm giấy bản truyền thống ở Cao Bằng. Trên giấy có phần viết tay nội dung chứng nhận đây là cuốn sách giới hạn. Ngoài ra, hộp đựng sách do Nghệ nhân Ưu tú Lê Bá Linh chuyên về sơn mài gia công. “Tôi chọn tôn vinh người làm nghề truyền thống trên khắp mọi miền bằng cuốn sách kỳ công, chỉn chu nhất có thể. Giá bán 9.999.999 đồng cũng là điều từ trước đến nay tôi chưa từng nghĩ. Nhưng lần này, tôi muốn tạo nên điều đặc biệt cho những bức ảnh của mình. Rất vui vì chưa đến ngày ra mắt, hơn một phần ba số sách đã được đặt mua”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết thêm.

Cuốn sách “Nghề truyền thống Việt” sẽ chính thức ra mắt độc giả trong triển lãm cùng tên của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, dự kiến tổ chức vào ngày 1/8 tại Khách sạn Majestic Saigon, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. So với 18 lần triển lãm trước kia của Trần Thế Phong, lần này, thời gian tổ chức trưng bày, giới thiệu các bộ ảnh trong sách sẽ được rút ngắn nhất (chỉ trong một ngày) để gia tăng trải nghiệm cho người xem. Triển lãm trưng bày 22 bộ ảnh với hơn 100 bức, được chọn lọc từ 45 bộ ảnh đã đưa vào sách.