Đó là khoảnh khắc đẹp, trở thành một ký ức khó quên về những chuyến bay trong dịp Quốc tế Phụ nữ đối với những tiếp viên, phi công nữ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Một bước chân nhiều giọt mồ hôi
Năm 2011, khi đang ổn định với công việc tiếp viên hàng không gần 3 năm tại Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, bất ngờ Ngọc Bích thông báo với gia đình rằng mình sẽ chính thức nghỉ việc và “chuyển vai”. Tuy nhiên, điều đó chưa “sốc” bằng việc chị thông báo mình sẽ làm phi công.
Lúc đó, cả bố mẹ và người thân mới biết chị đã âm thầm vừa làm vừa thi tuyển từ khi nào. Trở thành phi công - một công việc hết sức áp lực, dường như không dành cho phái nữ khiến bố mẹ Ngọc Bích lo “mất ăn mất ngủ”.
Để trở thành tiếp viên hàng không, đối với Ngọc Bích trước đây cũng đã không dễ dàng. Nhớ ngày đầu tiên mặc bộ áo dài sải bước trên chuyến bay, hiện thực hóa ước mơ từ thuở nhỏ là giây phút ấy chị không bao giờ quên được. Niềm cảm hứng ấy đã theo chị trong gần 3 năm, đến giờ lại, từ bỏ vị trí tiếp viên hàng không, khiến chị cũng phải đắn đo rất nhiều.
Tuy nhiên, khát khao cháy bỏng được ngồi vào chiếc ghế phi công, làm chủ buồng lái đã khiến chị hạ quyết tâm rời bỏ công việc của một tiếp viên để hướng tới chân trời mới của nghề phi công thương mại. Từ khoang làm việc của tiếp viên trên máy bay đến khoang lái chỉ một bước chân, nhưng để bước qua, Ngọc Bích đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.
Quãng thời gian huấn luyện, đào tạo 3 năm không thể đong đếm hết những cực nhọc gian nan, dù đã chuẩn bị tinh nhưng chị cũng không thể lường hết sự khắc nghiệt của quá trình khổ luyện đó. Tuy vậy, chưa khi nào suy nghĩ bỏ cuộc len vào tâm trí, chị chỉ biết bước từng bước, từng bước để thỏa khát khao được ngồi vào khoang lái.
Năm 2014, Ngọc Bích chính thức trở thành phi công Đoàn bay 919, và hiện tại, chị đã là cơ trưởng máy bay A321 với năng lực hơn 6.000 giờ bay. Nhắc lại chuyện cũ, Ngọc Bích vẫn nhớ mãi không quên cảm xúc lần đầu được một mình điều khiển máy bay mà không có giáo viên hướng dẫn bay cùng. Đó là cảm giác thật sự hạnh phúc bởi chị đã vượt qua chính mình, xua tan nỗi sợ mơ hồ và ý thức rõ ràng, chân thực nhất về trách nhiệm với hàng trăm hành khách trên chuyến bay.
"Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bầu trời ở vị trí không phải ai cũng có thể trải nghiệm là cảm giác vô cùng thú vị. Ngồi trong 'văn phòng trên mây', ngắm vẻ đẹp mê hồn, choáng ngợp của bầu trời thay đổi theo từng khung giờ, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Tôi biết ơn cuộc sống bởi những điều tốt đẹp ấy và sẽ cố hết sức để có thể cân bằng được việc chăm sóc gia đình và phát triển trong nghề”, cơ trưởng Ngọc Bích trải lòng.
Sống có tình, làm việc có tâm
Giống như một số đồng nghiệp khác tại Vietnam Airlines, lý do đến với ngành hàng không của tiếp viên trưởng Như Phú ban đầu chỉ đơn giản là niềm đam mê du lịch và ước mong có thêm những người bạn mới. Nhưng rồi trong quá trình làm việc, với vai trò là “sứ giả bầu trời”, càng ngày chị càng thêm yêu công việc và “mái nhà” thứ hai mang tên Vietnam Airlines.
“Đối với tiếp viên chúng tôi, những dịp lễ, Tết như dịp 8/3 này sẽ càng bận rộn hơn vì số lượng chuyến bay tăng và tất nhiên là rất ít khi được nghỉ. Mỗi chuyến bay đều có những câu chuyện, những kỷ niệm riêng, dù đi làm vào ngày lễ tôi vẫn cảm thấy rất vui. Tôi vẫn nhớ chuyến bay dịp 8/3 cách đây mấy năm, khi các hành khách đã ổn định chỗ ngồi, một nam hành khách đã tiến đến chỗ chúng tôi với bó hoa rất đẹp và lời chúc hết sức thân thương. Kỷ niệm đẹp đó sẽ mãi đi theo chúng tôi, trở thành động lực tích cực giúp chúng tôi vượt qua mỏi mệt, áp lực của công việc”, chị Như Phú tâm sự.
Dù công việc bận rộn, nhưng chị Phú vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian nhiều nhất cho gia đình, quản lý thời gian bay một cách hài hòa nhất. Chị quan niệm, phụ nữ hiện đại có nhiều cơ hội học tập, phấn đấu trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhờ xác định rõ mục tiêu và nguyện vọng của bản thân, khi có những cơ hội phát triển trong công việc, chị đều cố gắng bằng hết khả năng để đạt được.
Là tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, chị Như Phú luôn tâm niệm phải mang đến những gì tốt nhất cho khách hàng. Những tình cảm, sự quan tâm dù nhỏ nhất đều xuất phát từ tận trái tim, chân thành và góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống. Chị luôn tâm niệm: "Be kind whenever possible. It is always possible" (Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể, ai cũng có thể trở nên tử tế).
Nữ tiếp viên hàng không Lý Thị Thu Thảo. |
Còn Lý Thị Thu Thảo, suốt 7 năm đồng hành cùng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ chuyên viên dịch vụ hành khách, ngọn lửa nhiệt huyết với nghề vẫn luôn rực cháy. Mỗi ngày làm việc đối với Thu Thảo đều rất khác, công việc có thể không thay đổi nhưng mỗi vị khách, mỗi tình huống mà cô gặp luôn mang lại những trải nghiệm và cảm xúc khác biệt. Phục vụ hành khách không đơn thuần chỉ là trách nhiệm mà còn đem đến cho cô gái trẻ những bài học mới, kinh nghiệm mới vô cùng chân thực và sống động.
Ngoài tình yêu dành cho công việc, Lý Thị Thu Thảo còn có đam mê đọc sách và nghe nhạc. Là một cô gái với cá tính hiện đại, Thu Thảo cho rằng phụ nữ hiện nay cần phải biết yêu thương và chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Điều đó không phải sống ích kỷ, chỉ lo nghĩ cho riêng mình mà chăm sóc bản thân, trau dồi, thâu nạp tri thức liên tục, thường xuyên để trở thành phiên bản mới hơn, tốt hơn, có thể dành tình yêu cho mọi người và đem lại nhiều giá trị hơn cho cuộc sống.
Khi được hỏi về món quà ý nghĩa nhất đối với Thu Thảo trong những dịp đặc biệt như Ngày 8/3 này, cô gái trẻ đã không ngần ngại trả lời, món quà ý nghĩa nhất, quý giá nhất mình nhận được chính là mẹ. Mẹ là người đã mang cô đến cuộc sống này, cho cô hình hài xinh đẹp và đủ đầy sức khỏe để theo đuổi ước mơ. Mẹ cũng cho cô những lời khuyên, động viên, an ủi kịp thời và ấm áp mỗi khi cô gặp khó khăn trong công việc. Đó cũng chính là lý do vì sao mẹ luôn là hình mẫu phụ nữ “lý tưởng” trong lòng cô.