Hạnh phúc làm cha của những người mắc bệnh hiếm

NDO - Nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới - vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (MicroTESE) vào quá trình thăm khám, chẩn đoán và thực hành hỗ trợ sinh sản, nhiều nam giới sau thời gian dài hiếm muộn, khao khát có con đã được chào đón con đầu lòng. 
0:00 / 0:00
0:00
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt phẫu thuật Micro TESE cho bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt phẫu thuật Micro TESE cho bệnh nhân.

Chị Phan Thị Mùi và anh Phan Duy Tùng quyết định kết hôn, cùng xây đắp tổ ấm tình yêu vào tháng 11/2019. 6 tháng sau không thấy đậu thai, anh chị tới thăm khám tại một số bệnh viện thì bàng hoàng khi nhận được kết luận, anh Tùng không có tinh trùng trong tinh dịch.

Theo bác sĩ, anh Tùng bị đột biến mất đoạn AZFc trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y dẫn đến vô tinh trong tinh dịch. Khi đó, nhiều người khuyên anh Tùng, chị Mùi xin tinh trùng trong ngân hàng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nếu muốn có con.

Theo các chuyên gia hỗ trợ sinh sản, nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam.

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có ống dẫn tinh bẩm sinh. Thứ hai, do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc thì có thể mổ vi phẫu để tìm từng tinh trùng rồi tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi và chuyển vào tử cung người phụ nữ.

Mong mỏi và khát khao cháy bỏng được bế trên tay đứa con của chính mình đã thôi thúc đôi vợ chồng trẻ một lần nữa xuống Hà Nội đi khám. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Tùng được chỉ định thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE). Đây được coi là phương pháp cứu cánh cuối cùng của nam giới vô tinh do đột biến nhiễm sắc thể.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đột biến mất đoạn AZF là tình trạng mất đi một vùng nào đó trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y gây nên hậu quả với các mức độ khác nhau tùy theo vị trí của vùng như vô tinh, thiểu năng tinh trùng hoặc các bất thường chức năng của tinh trùng dẫn đến vô sinh ở nam giới.

"Đột biến mất đoạn AZF được phân thành các loại dựa theo các vị trí bao gồm: AZFa, AZFb, AZFc, AZFd hoặc đột biến mất đoạn kết hợp AZF (a+b+c) hay AZF (b+c). Trong đó loại thường gặp nhất là AZFc như trường hợp của anh Tùng, chiếm khoảng 80%”, bác sĩ Việt cho hay.

Nam giới không có tinh trùng do đột biến mất đoạn AZF vẫn có cơ hội được làm cha nhờ phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE) và thụ tinh trong ống nghiệm. Micro TESE là kỹ thuật mổ vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn.

Hạnh phúc làm cha của những người mắc bệnh hiếm ảnh 1

Gia đình anh Tùng đã tìm được hạnh phúc sau 4 năm hiếm muộn.

Sau khi được tư vấn, 2 vợ chồng anh Tùng, chị Mùi như được tiếp thêm sức mạnh và quyết định làm hồ sơ để anh Tùng thực hiện vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. Hai vợ chồng đã may mắn tạo được 5 phôi và có hai cơ hội chuyển phôi.

Tuy nhiên, hạnh phúc trọn vẹn vẫn chưa tới với gia đình anh Tùng khi 2 lần chuyển phôi đều không có kết quả.

Vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng, chị Mùi và anh Tùng một lần nữa bước tiếp trên hành trình tìm con. Anh Tùng thực hiện vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng lần thứ hai.

Lần này, tuy chỉ có một cơ hội chuyển phôi duy nhất nhưng may mắn đã mỉm cười, chị Mùi đã đậu thai thành công ở lần chuyển phôi thứ 3.

Cuối cùng, sau 9 tháng 10 ngày mong chờ, niềm tin và sự kiên trì của hai vợ chồng anh Tùng, chị Mùi đã được đền đáp. Bé Phan Thanh Ngọc Diệp (tên gọi ở nhà là Lavie) đã chào đời vào ngày 28/2/2022 ở tuần thứ 39, nặng 4kg trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, vai trò của ứng dụng công nghệ hiện đại đã góp phần quan trọng trong việc tạo phôi thành công, tăng tỷ lệ phôi làm tổ, theo dõi và bảo đảm thai kỳ khỏe mạnh, đồng thời giảm thời gian và chi phí cho người bệnh.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng luôn tổ chức các chương trình hỗ trợ cộng đồng nhằm rút ngắn khoảng cách trên hành trình tìm con của các cặp vợ chồng.

Thấu hiểu khát khao mong mỏi, những trở ngại về kinh tế trên hành trình tìm con yêu, từ ngày 29/4-14/5, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức chương trình “Tuần lễ Vàng-Ươm mầm hạnh phúc” 2023.

Bệnh viện tiếp tục hỗ trợ miễn phí 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (MicroTESE), 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% cùng nhiều hỗ trợ khác thông qua hình thức nộp hồ sơ xét duyệt từ 19/4-14/5.