Chứng nhận RTAC (Reproductive Technology Accreditation Committee) là bộ tiêu chuẩn rất khắt khe về quy chuẩn chung trong quản trị, xác nhận thực hành đúng chuẩn quốc tế và thúc đẩy nâng cao chất lượng dành cho các Đơn vị Hỗ trợ sinh sản được xây dựng và thẩm định bởi Ủy ban Chứng nhận chất lượng về Kỹ thuật sinh sản thuộc Hiệp hội Sinh sản Australia.
Người bệnh khi điều trị vô sinh-hiếm muộn bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại trung tâm đạt được chứng nhận RTAC có thể yên tâm về tỷ lệ thành công luôn được duy trì cao và ổn định.
Đồng thời, vấn đề bảo đảm an toàn, phòng tránh các nguy cơ bất lợi ảnh hưởng tới người bệnh luôn được quan tâm hàng đầu trong danh mục các tiêu chuẩn của RTAC.
Với sự chuẩn bị đầy đủ, nâng cấp cơ sở vật chất, hoàn thiện các quy trình, dịch vụ chuyên nghiệp cùng nền tảng vững chắc được xây dựng và không ngừng phát triển trong suốt 13 năm, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã xuất sắc vượt qua kỳ thẩm định với 12 tiêu chuẩn thiết yếu và 7 tiêu chuẩn về thực hành tốt của RTAC.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Điều hành Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ, chứng nhận RTAC là minh chứng cho sự nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như chất lượng dịch vụ của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
"Chúng tôi không ngừng hoàn thiện từng ngày để mang đến kết quả điều trị tốt nhất, an toàn, tối ưu chi phí cho người bệnh và “tất cả vì người bệnh” là kim chỉ nam trong suốt hành trình mà chúng tôi đồng hành cùng các gia đình vô sinh-hiếm muộn", ông Cường nói.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã thực hiện được khao khát làm cha mẹ nhờ can thiệp kỹ thuật vô sinh-hiếm muộn. |
Với mong muốn mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh, bên cạnh trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, áp dụng các quy trình kỹ thuật theo chuẩn quốc tế, bệnh viện còn không ngừng cập nhật những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cũng như đầu tư cơ sở vật chất.
Nhiều năm qua, bệnh viện điều trị thành công cho nhiều trường hợp khó như: hiếm muộn do người chồng không có tinh trùng (biến chứng quai bị, mắc hội chứng Klinefelter…); bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng...; người vợ có bất thường tử cung, tắc hai vòi trứng; tiền sử lưu sảy thai nhiều lần… thông qua các phác đồ được “cá thể hóa” và theo dõi, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.
Chứng nhận RTAC là dấu mốc đặc biệt trong hành trình vươn ra thế giới và chinh phục những đỉnh cao mới của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, giúp người bệnh vững tin hơn trong quá trình điều trị hiếm muộn vốn đã nhiều khó khăn, vất vả.