Trong quá trình xây dựng chính sách, có nhiều ý kiến được đưa ra, thậm chí trái chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận rất kỹ về nội dung này tại dự thảo luật. Điều này rất dễ hiểu do thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất thận trọng khi đề xuất các quy định về thương mại điện tử trong kinh doanh dược tại lần ban hành luật này. Để kiểm soát chặt chẽ, các công cụ quản lý sẽ được triển khai đồng bộ, bao gồm cả tiền kiểm và hậu kiểm.
Luật đã quy định một cơ sở muốn thực hiện thương mại điện tử phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghĩa là, đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống. Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung.
Luật cũng quy định trừ trường hợp cách ly do dịch bệnh nhóm A, cơ sở kinh doanh dược chỉ được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc không kê đơn mà không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt hay thuốc hạn chế bán lẻ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc nhóm các thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Riêng trong trường hợp đặc biệt, khi có dịch bệnh nhóm A (tương tự như dịch Covid-19 vừa qua) được công bố, cơ sở được bán lẻ thuốc kê đơn theo quy định của Bộ Y tế. Luật cũng đưa quy định cụ thể về nghiêm cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán thuốc qua thương mại điện tử
Bên cạnh quy định về quyền được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, Luật cũng quy định trách nhiệm tương ứng của cơ sở khi kinh doanh theo thương mại điện tử. Đó là đăng tải thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, giấy đăng ký lưu hành của thuốc, các thông tin được phê duyệt về thuốc. Phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng thuốc theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện việc thuốc đến người mua theo quy định.
Khi phương thức mua-bán thuốc online đã được luật hóa thì việc có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể rất quan trọng. Bộ Y tế cần sớm ban hành các thông tư hướng dẫn để hoạt động này theo khuôn khổ của pháp luật. Các hướng dẫn mới phải đưa ra được yêu cầu cụ thể đối với hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử, bao gồm cả cách thức tiến hành, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử cho phù hợp đặc thù của hình thức kinh doanh này. Các hướng dẫn mới đưa ra cần cụ thể cho cả quy định trước khi thực hiện việc bán phải có liên hệ trực tuyến hoặc bằng điện thoại để xác định có thuộc trường hợp được bán thuốc không, tư vấn sử dụng trước khi bán thuốc cho người mua… Về phía cơ sở kinh doanh, phải thông báo tới cơ quan có thẩm quyền hình thức kinh doanh, theo phương thức thương mại điện tử.
Song song với các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, các cơ quan liên quan cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các hành vi và biện pháp xử phạt vi phạm liên quan thương mại điện tử trong kinh doanh dược. Giai đoạn đầu triển khai luật, các hoạt động thương mại điện tử sẽ phải được ưu tiên kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các quy định được thực hiện đúng, đầy đủ, giúp người dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Việc pháp quy hóa hoạt động thương mại điện tử trong kinh doanh dược cung cấp nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ hoặc các công ty bán buôn vì không chỉ để có thêm một kênh bán hàng mà còn mở ra thị trường mới, quảng bá sản phẩm, tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu và mở rộng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, hình thức này cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận thông tin và mua thuốc dễ dàng hơn.