Ngăn chặn hành vi mua bán các sản phẩm từ cây thuốc phiện trên mạng

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng mua bán công khai các sản phẩm từ cây thuốc phiện (cây anh túc) như hạt, quả, thân và lá.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm từ cây thuốc phiện được quảng cáo, mua bán trái phép trên mạng xã hội.
Các sản phẩm từ cây thuốc phiện được quảng cáo, mua bán trái phép trên mạng xã hội.

Để tránh việc kiểm duyệt, ngăn cấm của các cơ quan chức năng, khi rao bán trên mạng, các tài khoản thường đặt tên sản phẩm rất mỹ miều như: “cau Hà Giang”, “Hạt giống & Tâm hồn”, “Hạt hoa vùng cao”... Phần lớn các khách hàng đặt mua các sản phẩm từ cây thuốc phiện với mục đích gieo trồng, ngâm rượu tăng cường sức khỏe hoặc hút trực tiếp nhằm tăng cảm giác hưng phấn.

Anh Trần Văn Hùng, ở quận Tây Hồ (Hà Nội) bị bệnh đau dạ dày đã lâu, uống đủ loại thuốc nhưng không khỏi, mỗi lần lên cơn đau không thiết ăn uống gì. Vừa qua anh đến chơi nhà người bạn thân được mời uống chén rượu ngâm cây thuốc phiện mà bạn anh gọi là “chữa bách bệnh”, anh thấy cơn đau có giảm.

Bạn anh Hùng bật mí: “Bình rượu 30 lít này tôi mua cả thân, lá, rễ cây thuốc phiện trên mạng để ngâm, uống rất chất lượng. Vì là hàng cấm nên khi rao bán trên mạng họ phải gọi là “cau Hà Giang” hoặc “cây 138” để tránh phiền phức”. Nhìn bình rượu ngâm cùng những lời quảng cáo mà anh Hùng mê mẩn lúc nào không hay. Anh liền nhờ người bạn đặt mua giúp “thần dược” về ngâm rượu. “Để bệnh dạ dày mau khỏi thì ai mách thuốc tốt, thuốc hay gì tôi cũng mua uống...” - anh Hùng chia sẻ thêm.

Trong khi anh Hùng mua cây này về ngâm rượu chữa bệnh thì một số người lại mua hạt, cây giống về gieo trồng trái phép tại vườn nhà.

Vừa qua các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) phát hiện và bắt quả tang đối tượng Triệu Thị Phấy (sinh năm 1952, trú tại xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) có hành vi trồng và đang chăm sóc hơn 600 cây thuốc phiện (diện tích trồng khoảng 100 m2).

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản giữ người phạm tội, phá nhổ toàn bộ diện tích cây thuốc phiện, đồng thời đưa người, tang vật về Đồn Biên phòng để xác minh, làm rõ. Bước đầu, Phấy khai đã mua giống cây thuốc phiện của một người phụ nữ không quen biết tại chợ phiên xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc về trồng với mục đích chữa bệnh. Căn cứ vào lời khai và tang vật thu được, lãnh đạo Đồn Biên phòng Cần Yên đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Trồng cây thuốc phiện” theo Điều 247 Bộ luật Hình sự để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu cho thấy, hiện tình trạng mua bán, quảng cáo các sản phẩm từ cây thuốc phiện đã trở thành trào lưu của các hội nhóm trên mạng. Cụ thể, người thì đặt mua cả bó cây thuốc phiện về ngâm rượu hoặc mua nhựa nguyên chất về hút nhằm tăng sự hưng phấn, một số khác lại mua hạt giống về gieo trồng lẫn với các cây rau làm thuốc chữa bệnh cho người, gia súc và gia cầm. Để mua được loại cây này trên mạng không khó, chỉ cần có nhu cầu thật sự và tài chính rủng rỉnh.

Hiện nay trên Facebook có rất nhiều trang nổi tiếng cung cấp mặt hàng này như: “Đặc sản núi rừng Tây Bắc”, “Vườn quả Anh túc tươi Tây Bắc”, “Đồ vùng cao”, “Đồ công nghệ 5.0”...

Để thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhiều “shop trên mạng” còn sử dụng hình ảnh những cây thuốc phiện tươi xanh, đẹp mắt; những bình rượu ngâm thơm ngon và kèm theo là những lời quảng cáo mỹ miều như chữa bách bệnh, tăng cường sức khỏe, “tiên tửu vạn người mê”...

Trong vai khách hàng cần mua cây anh túc về ngâm rượu, chúng tôi được chủ shop “Vườn quả Anh túc tươi Tây Bắc” chào hàng 1,7 triệu đồng/kg, hàng hút chân không bảo đảm tươi xanh khi đến tay khách hàng. Để khách hàng yên tâm, chủ shop cam kết giao hàng an toàn kín đáo tại nhà và khi mua với số lượng lớn sẽ báo giá ưu đãi... Với shop “Hạt giống”, nếu khách hàng mua 2 gói hạt anh túc với giá 200 nghìn đồng thì bao ship, bao kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Nếu không thích mua có thể trả lại mà không mất phí ship.

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Kường, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện và xử lý 15 vụ, 14 đối tượng vì hành vi trồng 2.104 cây thuốc phiện.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa,... trong tỉnh lén lút trồng cây thuốc phiện ở sâu trong rừng, ở khu vực ít người qua lại để sử dụng hoặc bán lại cho những người có nhu cầu.

Qua nghiên cứu, cây thuốc phiện không phải là cây “thần dược”, cây chữa bách bệnh như “đồn thổi” mà chỉ chữa được một số bệnh đơn giản khi kết hợp với dược liệu khác. Việc nhiều người ngâm rượu lá, hoa, thân, rễ cây thuốc phiện để uống nhằm tăng cường sức khỏe là phản khoa học. Nếu dùng rượu ngâm cây thuốc phiện quá nhiều, kéo dài sẽ gây mất trí nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng gan, thận và kèm theo các bệnh tim mạch, tiêu hóa. Nếu sử dụng với nồng độ đậm đặc, quá liều có thể gây nghiện, ngộ độc và tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy, mọi người không nên tự ý sử dụng cây thuốc phiện dưới mọi hình thức.

Bác sĩ Chuyên khoa II NGUYỄN VĂN HÙNG

Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gieo trồng, mua bán, vận chuyển trái phép cây thuốc phiện, nhất là trên mạng xã hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ tại các phòng, đồn, trạm... chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân “nói không” với cây thuốc phiện; tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chắc địa bàn; khuyến khích người dân phối hợp cung cấp thông tin giúp Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan cây thuốc phiện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác đấu tranh với hành vi trồng cây thuốc phiện là nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng phổ thông còn hạn chế, thường lấy lý do trồng cây để làm thuốc chữa bệnh.

Chỉ đến khi bị phát hiện, xử lý, mới biết đây là hành vi phạm pháp. Theo Bộ luật Hình sự mới nhất, người nào có hành vi trồng từ 500 cây thuốc phiện trở lên, sẽ bị khởi tố hình sự. Mặt khác, hiện các đồn biên phòng chưa có thẩm quyền xử phạt hành chính hành vi trồng cây thuốc phiện nhưng chưa đến mức khởi tố hình sự, đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xử lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Bộ luật Hình sự hiện nay có 13 điều quy định các tội liên quan đến ma túy; trong đó có 2/3 số điều có khung hình phạt tù chung thân và tử hình. Tuy nhiên, nếu người có hành vi gieo trồng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép cây thuốc phiện với số lượng lớn, đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ các điều 247, 248, 249, 250, 251... Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt. Trường hợp người vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo các nghị định liên quan...

Luật sư TRẦN THỊ KHÁNH HƯƠNG

(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)