Xử lý nghiêm hành vi mua bán trái phép thuốc mê, thuốc ngủ trên mạng

Hiện nay, tình trạng mua bán trái phép các loại thuốc mê, thuốc ngủ trên mạng xã hội diễn ra công khai. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã mua những loại thuốc này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật… Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, thuốc mê, thuốc ngủ là loại thuốc phải được kê đơn và có chỉ định của bác sĩ thì mới được mua hoặc cấp, phát.
0:00 / 0:00
0:00
Mua bán trái phép các loại thuốc mê, thuốc ngủ trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh: HUY HOÀNG)
Mua bán trái phép các loại thuốc mê, thuốc ngủ trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh: HUY HOÀNG)

Vừa qua, Công an phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lập hồ sơ ban đầu liên quan đến nghi phạm chuốc thuốc mê là N.Đ.P. (52 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để điều tra, làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản. Nội dung sự việc như sau: Bà N.T.M. (53 tuổi, trú phường Hòa Thuận Tây) đi bán vé số thì gặp ông P. đang ngồi uống nước. Ông P. đã mời bà M. uống một ly nước ép và nói sẽ chở bà về vì thấy chân bà M. bị đau. Sau khi chở bà M. về phòng trọ, lúc này nạn nhân mê man và ngủ ly bì. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, bà M. tỉnh dậy và phát hiện bị mất trộm khoảng 6 triệu đồng, còn ông P. đã bỏ đi.

Ngay khi tiếp nhận thông tin trình báo, Công an phường Hòa Thuận Tây đã vào cuộc xác minh và xác định nghi can là N.Đ.P. Khi lực lượng công an đang điều tra sự việc, ông P. đã đến đầu thú và khai nhận do nợ nần, thiếu tiền nên nảy ra ý định chiếm đoạt tiền của bà M. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, ông P. đã bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để bà M. uống và ngủ mê man. Sau khi lấy được tiền, ông P. đã trốn vào Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau đó ông P. đã ra đầu thú và nộp lại phần lớn số tiền đã lấy trộm.

Trước đó, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của chị H. (tạm trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) về việc bị chuốc thuốc ngủ và mất tài sản. Cụ thể, thông qua mạng xã hội chị H. thuê một người phụ nữ tự xưng tên Nhung (tên thật là Trần Thị Thắng) về làm giúp việc cho mình. Sau khi uống nước cam do Nhung pha thì cả chị H. và bạn đã ngủ thiếp đi. Chỉ khi được hàng xóm gọi, chị H. và bạn của chị mới tỉnh dậy và phát hiện bị mất trộm điện thoại iPhone XR, 1 ba-lô bên trong có gần 500.000 đồng. Người giúp việc tên Nhung cũng đi khỏi nhà trọ trước khi chị H. tỉnh dậy...

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ Công an quận Nam Từ Liêm xác định các cốc nước cam có thuốc ngủ và thủ phạm gây án là Trần Thị Thắng đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang… Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận, đã bỏ thuốc Lexomil 6mg (thuốc ngủ) vào cốc nước cam để cho chị H. và bạn chị H. uống nhằm lấy trộm tài sản.

Qua tìm hiểu, hiện nay chỉ cần có nhu cầu là người mua có thể dễ dàng mua các loại thuốc mê dạng xịt, khí và nước trên mạng xã hội, kèm theo đó là những lời quảng cáo như: “Thuốc mê loại mạnh-mê sâu không biết gì”, “Thuốc mê không mùi vị”...

Để thu hút người xem, một số trang web còn hướng dẫn chi tiết các bước điều chế ra thuốc mê tại nhà. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán thuốc mê” hoặc “các loại thuốc mê” vào Google hoặc Facebook sẽ cho rất nhiều kết quả về các loại thuốc này. Trong vai một người muốn mua thuốc mê trên mạng, click vào trang web “shopyeu24h. com”, hiện ra trên giao diện là rất nhiều loại thuốc mê dạng xịt, nước của các nước như Nhật Bản, Mỹ... với các mức giá từ 450.000 đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm.

Liên hệ với người bán hàng khác thông qua số điện thoại 0947.48x.xxx chúng tôi được tư vấn rất nhiệt tình từ công dụng, cách dùng sao cho đạt hiệu quả cao nhất với ẩn ý “tiền nào thì chất lượng thuốc như vậy”. Điều đáng nói là, ngoài sự tư vấn nhiệt tình thì các shop không bao giờ hỏi khách hàng mua thuốc mê để làm gì. Để khách hàng yên tâm, nhiều shop còn cam kết “giao hàng kín đáo, nhận hàng gửi tiền và không cần đặt cọc...” hoặc “hàng của shop sang, xịn được xách tay từ nước ngoài về nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng”.

Theo Thượng tá Quách Minh Điệp (Công an tỉnh Yên Bái) đánh giá, thời gian qua, một số đối tượng xấu đã sử dụng thuốc mê, thuốc ngủ để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên tại Yên Bái, tình trạng này chưa xảy ra. Để thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội, các đối tượng thường lựa chọn những người có tài sản, người ở vùng khác đến để làm quen. Sau khi tiếp cận và tạo sự tin tưởng, những người này sẽ ngỏ ý mời nước hoặc đi mua hộ đồ ăn, sau đó lén bỏ thuốc mê vào đồ uống, thức ăn. Các địa điểm mà đối tượng xấu thường lựa chọn để “đánh” thuốc mê “con mồi” là khách sạn, nhà trọ hoặc nhà riêng, bến xe, nhà ga… nhằm tránh sự để ý của lực lượng công an và dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện.

Sau khi “con mồi” dính thuốc mê, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi cướp tài sản. Do vậy, người dân không nên giao dịch với người lạ ở những nơi vắng vẻ; không nên uống nước, đồ uống pha sẵn để tránh việc bị đánh thuốc mê. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi, có biểu hiện xấu thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan như y tế, quản lý thị trường, thông tin và truyền thông… cần đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ trái phép các sản phẩm thuốc mê, thuốc ngủ, nhất là trên không gian mạng.

Bản chất của các loại thuốc mê, thuốc giảm đau opioid, thuốc ngủ,… đều là chất gây nghiện. Khi sử dụng các loại thuốc này kéo dài thường gây ảnh hưởng chức năng gan, thận, thậm chí nếu sử dụng quá liều sẽ gây tử vong. Ngoài ra, các loại thuốc này cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với người dùng như mệt mỏi, mất tập trung, hay quên, nặng hơn là ảo giác, mê sảng, chóng mặt, đau cơ…

Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả các loại thuốc mê được bán trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là hàng cấm. Kể cả những loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng, nhưng nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà vẫn lưu hành đều là trái phép…

VŨ QUANG TRUNG,

Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh

Nếu người bán thuốc mê, thuốc ngủ không đáp ứng được các điều kiện như: Không có bằng cấp chuyên môn, thuốc không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng điều kiện về thông tin nguồn gốc thì bị phạt tiền lên đến 3 triệu đồng, tùy mức độ của hành vi mà mức phạt có thể nặng hơn. Căn cứ để xử phạt là Điều 59 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, nếu việc bán thuốc này làm cho người uống tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu bán thuốc mê chui, bất hợp pháp gây ra những vụ cướp của, giết người, hiếp dâm… thì những người bán thuốc này có thể bị truy tố về hành vi đồng phạm đối với tội danh tương ứng.

Luật sư LÃ THỊ ÁNH (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)