Hữu ích, tiện lợi
Dù mua thuốc kê đơn trực tuyến chưa chính thức được cho phép nhưng tại Việt Nam đã có khá nhiều người, đặc biệt là các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã áp dụng phương thức mua hàng trên mạng.
Chị Thanh Thủy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chị đi khám và được bác sĩ kết luận bệnh lạc nội mạc tử cung và phải điều trị bằng thuốc đặc trị Vissane. Đây là bệnh không chữa được triệt để. Chị phải chung sống với bệnh cho tới khi mãn kinh. Để tránh được những cơn đau, chị phải dùng thuốc Vissane không thiếu một ngày nào.
“Bác sĩ đã kê đơn thuốc cho tôi là uống thuốc Vissane đến khi mãn kinh. Bây giờ tôi mới 40 tuổi, nghĩa là tôi dùng thuốc tối thiểu 10 năm nữa. Giá thuốc khá cao, tiền triệu mỗi tháng nên tôi không thể mua nhiều được mà phải mua theo tháng. Hơn nữa, không phải lúc nào tôi đi mua hiệu thuốc cũng có sẵn. Đi lại nhiều rất mất thời gian. Vì vậy, cách tốt nhất với tôi là đặt mua qua ứng dụng hoặc gọi điện thoại. Khi nào có hàng, hiệu thuốc sẽ giao. Như vậy rất tiện lợi”, chị Thủy giải thích lý do yêu thích mua thuốc kê đơn theo hình thức trực tuyến của mình.
Trong Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số diễn ra vào 19/10 tại Hà Nội, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã đề cập đến vấn đề này.
Ông Trung khẳng định việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử song song với kinh doanh truyền thống sẽ được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; trang thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
"Luật cần tạo hành lang pháp lý để quản lý các loại hình và phương thức kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn. Phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới", ông Trung nêu quan điểm.
Ông Vũ Thái Hà - Giám đốc vận hành (COO) eDoctor, thành viên nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá cao việc chuyển đổi số để phục vụ người bệnh. Theo ông Hà, nhờ công nghệ, người bệnh ở mức nào đó có thể ở nhà, còn bác sĩ ở rất xa, quá trình điều trị không bị đứt gãy. Công nghệ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ khám chữa bệnh từ xa.
Người bệnh khám chữa bệnh từ xa, từ trang thông tin điện tử vẫn sẽ cần thuốc, vật tư, thiết bị,… vì vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa hai hệ thống này.
Vì vậy, cần xây dựng khung pháp lý của hoạt động kinh doanh dược phẩm trực tuyến có thể "chạy" được, vận hành được.
“Tiến tới khi có đầy đủ điều kiện có thể xem xét mở rộng với các mặt hàng không cần kê đơn vì người dân có thể cần nhiều hơn thế”, ông Hà cho biết.
Cần quản lý rõ ràng, chặt chẽ
Có thể thấy việc mua thuốc kê đơn trực tuyến rất hữu ích và nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam Nguyễn Hữu Trọng nhấn mạnh, tại Việt Nam tình trạng bán, mua thuốc không đơn rất phổ biến, kể cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh.
Đây là vấn đề quan trọng nên nội dung này đã được đưa ra nghị trường.
Vừa qua ngày 22/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó đáng chú ý là chính sách bán thuốc qua sàn thương mại điện tử.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết việc bán thuốc trực tuyến chúng ta cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đưa ra quan điểm: "Tôi hoàn toàn đồng ý cho việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, vì hiện nay đã và đang diễn ra. Thí dụ, chúng ta chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc giao đến tận nhà. Việc chúng ta cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ việc này".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc luật hóa quy định này là cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn, còn khoảng trống pháp lý. Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh cho phép kinh doanh thuốc theo cách này.
Tuy nhiên, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng nên Thường vụ Quốc hội cần siết chặt điều kiện bán trực tuyến.
Theo đó, các cơ sở muốn kinh doanh thuốc trực tuyến phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện và đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự, địa điểm; Hoạt động mua bán thuốc trực tuyến chỉ được phép thực hiện thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, trang thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm.
Đáng chú ý, dự thảo cũng đã chỉnh lý, bổ sung thêm quy định về thuốc bán lẻ trực tuyến.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.
Quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Y tế.