Hàng trăm người dân Thừa Thiên Huế ứng cứu sạt lở bờ biển

NDO - Mưa lớn cộng triều cường đã làm nhiều đoạn bờ biển ở Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xâm thực. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm lượt người và phương tiện ra biển đắp đê với hy vọng làm giảm tác động tiêu cực của thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang đang hỗ trợ chính quyền đắp đê gia cường bảo vệ bờ biển xã Phú Thuận sáng 11/10/2022.
Cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang đang hỗ trợ chính quyền đắp đê gia cường bảo vệ bờ biển xã Phú Thuận sáng 11/10/2022.

Bờ biển xã Phú Thuận nhiều năm qua đã trở thành điểm nóng về sạt lở ở Thừa Thiên Huế. Trong bão số 4/2022, bờ biển ở khu vực này tiếp tục bị sạt gần 500, sâu vào đất liền gần 10m. Những ngày qua, dưới tác động của mưa lớn, triều cường, vùng biển này lại tổn thương thêm lần nữa với chiều sâu vào đất liền gần 4m.

Bà Phan Thị Hoa, người dân xã Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên Huế cho biết, bờ biển làng tôi trước dài lắm, ra tận ngoài xa, cách mép sóng hiện tại gần 200m. Hiện nay sạt lở ngày càng sâu, không biết khi nào vào tới nhà nên tôi rất hoang mang. Đêm ngủ không tròn giấc, không biết sóng biển vô khi nào.

Trước sự xâm thực ngày càng nhanh, Trung ương và chính quyền địa phương đã đầu tư làm một đoạn kè ngầm qua xã, nhưng bờ biển của xã dài, đoạn sạt lở cũng dài hơn đoạn kè vừa làm nên mỗi lần mưa to, có áp thấp nhiệt đới, bão là chính quyền và người dân địa phương rất lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận, Phú Vang, Thừa Thiên Huế nói, sau bão số 4 tình hình sạt ở thôn An Dương 1 rất nghiêm trọng. Lâu dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con nhân dân. Trước tình hình đó, xã đã huy động bà con, cán bộ địa phương, lực lượng Công an, dân quân tự vệ xã và hai đồn biên phòng là hải đội 2, đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An cùng chung tay gia cố bờ biển, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của sóng, gió.

Trước sự xâm thực ngày càng nhanh, Trung ương và chính quyền địa phương đã đầu tư làm một đoạn kè ngầm qua xã, nhưng bờ biển của xã dài, đoạn sạt lở cũng dài hơn đoạn kè vừa làm nên mỗi lần mưa to, có áp thấp nhiệt đới, bão là chính quyền và người dân địa phương rất lo lắng.

Sáng 11/10, tranh thủ lúc ngớt mưa, hơn 150 cán bộ chiến sĩ, cán bộ nhân dân xã Phú Thuận đã theo tiếng phèn la hối thúc mang bao cát, xẻng, dây thừng… đổ về khu vực sạt lở. Tại đây bà con cho cát vào các túi nhỏ, sau đó cho vào bao lớn hơn rồi dùng xe xúc, nhấc các bao lớn đặt dọc theo mép sóng.

Trung úy Nguyễn Văn Quỳnh, đội vũ trang, đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An vừa giúp dân, vừa cho biết: Lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng và quân đội nói chung chúng tôi luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quan trọng để giúp đỡ bà con nhân dân phòng, chống thiên tai, trước trong và sau bão. Đồng thời xây dựng gắn kết tình cảm giữa quân đội với nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn đóng quân.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 12,4km bờ biển trong tổng số 128km bờ biển của địa phương này bị sạt lở nặng. Vào mùa mưa bão, tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3-5m, có nơi từ 5-7m. Riêng đoạn bờ biển qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, trong 10 năm trở lại đây đã xói sâu vào khoảng 100-200m, đe dọa trực tiếp đến 1.500 hộ dân sống gần bờ biển, có nguy cơ mở cửa biển mới.

Ông Trương Văn Giang, Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế nói: Trong thời gian vừa qua, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, khắc phục để có giải pháp kịp thời, tránh hư hại nặng hơn. Hiện tại chúng tôi huy động nhân vật lực xử lý đoạn sạt lở ở Phú Thuận, không để hư hỏng nhanh hơn. Thời gian tới chúng tôi sẽ đầu tư tuyến đê ngầm để giảm sóng và tạo bãi cho khu vực này.

Được biết để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền trung, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể, đưa ra giải pháp chính trị chống xói lở bờ biển các tỉnh miền trung từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Trong thời gian này, Thừa Thiên Huế vẫn đang thực hiện cùng lúc hai giải pháp công trình và phi công trình, trong đó chú trọng trồng nhiều cây xanh để giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên nhiên, đồng thời nghiên cứu di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.