Tỉnh Nghệ An cùng ngành nông nghiệp đã, đang chỉ đạo các địa phương, công ty thủy lợi và người dân triển khai nhiều giải pháp để bơm nước cứu lúa, cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc.
Đối mặt với hạn hán
Chi cục Trưởng Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Trường Thành cho biết: Nhiều ngày qua trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra nắng nóng gay gắt, trong lúc lượng mưa trung bình từ đầu năm đến nay thấp thua nhiều so với trung bình những năm trước đó… đã khiến nhiều sông, hồ cạn nước, nhiều hồ chứa xuống mực nước chết hay cạn trơ đáy.
Điều này cũng xảy ra đối với các hồ thủy điện, nhất là hồ Thủy điện Bản Vẽ - lớn nhất miền trung. Hiện, lượng nước về hồ thủy điện này chỉ còn 18m3/s; cách mực nước chết 1,51 mét.
Mực nước trên sông Cả, sông Lam có xu hướng giảm. Mực nước tại cống Nam Đàn có thời điểm xuống âm (-) 0,45 mét so với 1,15 mét (thiết kế); tại cống Bến Thủy và cống Nghi Quang cũng âm khoảng một mét so với thiết kế..., đã khiến hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An không có nước bổ sung, gây khó khăn cho việc bơm nước tưới phục vụ việc gieo cấy và dưỡng lúa hè thu.
Dọc theo tuyến đường N5, nhiều cánh đồng bị bỏ hoang do bị nhiễm mặn hay những cánh đồng nứt toác, lúa héo rũ do nhiều ngày “khát” nước dưỡng. Tại cánh đồng Xóm 2, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, nhiều thửa ruộng nứt nẻ, lúa non héo vàng.
Ông Ngô Văn Linh cho biết: Nhà ông cấy chín sào lúa hôm 8/6, do thiếu nước tưới nên lúa bắt đầu héo. Không riêng nhà ông mà nhiều nhà dân nơi đây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Gặp Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phương Nguyễn Đình Thư đang cùng đoàn cán bộ xã đội nắng, chỉ đạo công tác chống hạn, cho biết: Là xã cuối nguồn nước ngọt nên Nghi Phương thường xuyên phải đối mặt với hạn hán. Hiện, toàn xã đã gieo cấy được 420/490 ha lúa và toàn bộ diện tích này phải đối mặt với hạn và có nguy cơ bị cháy trong những ngày tới do thiếu nước dưỡng đợt đầu.
Những cánh đồng lúa cả trăm ha ở xã Nghi Đồng sát cạnh bên cũng đang thiếu nước dưỡng…
Rất may, ba hôm nay, trạm bơm Hà Thanh của Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc tại xã Nghi Phương cùng hai trạm bơm của địa phương đang hoạt động hết công suất sau khi nước từ bara Nam Đàn được bơm ép về.
“Nước về đến đâu cây lúa lại xanh đến đó. Đến nay, hơn nửa diện tích lúa bị đối mặt với hạn đã được cấp nước và hy vọng với cái đà này, toàn bộ diện tích lúa của xã sẽ được cấp nước dưỡng đầy đủ”, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phương cho biết thêm.
Cách xã Nghi Phương khoảng 30km về phía nam, những cánh đồng ở xóm 7, xóm 8, xã Hưng Nghĩa; Xóm Phan, xã Hưng Tân…, huyện Hưng Nguyên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi hàng trăm ha lúa cũng bắt đầu héo. Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên Nguyễn Trung Thông cho biết: Do nguồn nước sông Lam cạn kiệt, các máy bơm chỉ hoạt động được 30-50% công suất nên hầu hết số ruộng lúa thuộc toàn bộ chín xã thuộc vùng giữa của huyện đang trong tình trạng thiếu nước dưỡng lúa...
Theo báo cáo, đến ngày 21/6, toàn tỉnh đã gieo cấy được 56.857ha trên kế hoạch là 81.500ha, đạt gần 70%. Trong số này có hơn 6.000ha lúa nguy cơ bị hạn, không có nước tưới dưỡng nằm ở các xã: Nghi Trung, Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Phương… (Nghi Lộc); Hưng Đạo, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc, Hưng Nghĩa, Hưng Thịnh, Hưng Mỹ… (Hưng Nguyên); ngoài ra ở một số địa phương thuộc các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành…
Nguồn nước thiếu làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, lấn sâu vào hệ thống thủy lợi và nội đồng. Tại Nghi Lộc, do cống ngăn mặn, giữ ngọt Nghi Quang bị xuống cấp nên nước mặn đã “bò” lên đến cầu Sông Cấm trên đường N5, cách cống Nghi Quang khoảng bảy km. Điều này, đã khiến sáu xã nằm dọc sông Cấm, đoạn từ cống Nghi Quang lên đến đường N5 buộc phải dừng vụ hè thu.
Ở phía Sông Lam, nước mặn cũng đã xâm nhập lên đến sông Rum ở Hưng Nguyên, cách Cửa Hội khoảng 17km với độ mặn từ 0,7 đến 0,8 phần nghìn…
Triển khai nhiều giải pháp
Do nguồn nước sông Lam xuống thấp, không có nguồn bổ sung nên hệ thống thủy lợi của Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An không có nước, gây khó khăn cho việc bơm nước tưới vụ Hè-Thu ở các huyện: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An Bùi Văn Hào cho biết: Trước tình hình thiếu nước, doanh nghiệp đã thông báo cho các địa phương kế hoạch bơm nước luân phiên theo tinh thần, bơm xa trước, bơm gần sau. Tận dụng nước hồi quy của các vùng tưới, sử dụng máy bơm dã chiến để cấp được nhiều nước nhất. Đơn vị đã huy động hơn 40 trạm bơm hoạt động hết công suất trong điều kiện có thể; ngoài ra, bố trí dự phòng 12 máy bơm dầu và bơm điện để hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Đồng thời phân công trực tại các trạm bơm 24/7 để khi thủy triều bắt đầu lên là tổ chức bơm nước lên hệ thống thủy lợi được ngay. Giao đầu mối Bara Nam Đàn theo dõi nguồn nước lên xuống để đóng mở lấy nước kịp thời, tránh thất thoát nước. Bara Bến Thủy, bara Nghi Quang kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguồn nước để kịp thời cảnh báo cho các đơn vị, địa phương. Các trạm bơm thực hiện nghiêm việc không bơm tưới khi nguồn nước có nồng độ mặn lớn...
Các trạm bơm ở huyện Nghi Lộc ngoài hoạt động hết công suất 24/7 để cứu lúa còn phải thường xuyên kiểm tra độ nhiễm mặn của nước. |
Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc Ngô Ngọc Hoàn cho biết: Nghi Lộc là đơn vị cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn, việc xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn là rất lớn nên đơn vị đã chỉ đạo các địa phương phải thường xuyên nạo vét kênh mương; các trạm bơm bảo dưỡng máy bơm, nạo vét, vớt bèo các bể hút để sẵn sàng phục vụ. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xây dựng lịch tưới, trên cơ sở ưu tiên vùng xa, vùng cao trước.
Giao các trạm bơm vận hành hết công suất để tận dụng nguồn nước và phải thường xuyên cập nhật tình hình nguồn nước; kiểm tra chất lượng nước, trước, trong và sau khi bơm. Nếu nhiễm mặn lớn hơn hay bằng một phần nghìn thì ngay lập tức dừng bơm. Xí nghiệp cũng chuẩn bị các máy bơm dã chiến và vận động người dân huy động các loại máy bơm sẵn có để chống hạn.
Công nhân xí nghiệp thủy lợi Nghi Lộc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy bơm để sẵn sàng phục vụ chống hạn. |
Đặc biệt, từ tối 21/6 đến tối 26/6, các trạm bơm dọc kênh Thấp của huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên đã dừng bơm để dồn nước xuống kênh Kẻ Gai nhằm cải thiện nguồn nước bơm cho huyện Nghi Lộc. Nên nhiều diện tích lúa của Nghi Lộc đang đối mặt với hạn đã được “giải khát” nước, xanh tươi trở lại.
Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Nghệ An đã tiến hành đắp đập mềm ngăn mặn, giữ ngọt tại cầu Sông Cấm trên đường N5 nên đã ngăn không cho nước mặn xâm nhập vượt lên phía trên đường N5…
Ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã chủ động ban hành Đề án sản xuất vụ Hè thu - Mùa 2023 sớm và cảnh báo vụ sản xuất này sẽ đối diện với nguy cơ cao về hạn hán, xâm nhập mặn để các địa phương chủ động xây dựng phương án cùng các giải pháp chống hạn hiệu quả khi có hạn hán xảy ra. Bên cạnh việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT về tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ hè thu mùa 2023, lãnh đạo ngành nông nghiệp thường xuyên đi kiểm tra sản xuất và ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, các công thủy lợi thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo đó, rà soát tình hình nguồn nước; Lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình và thực hiện khi hạn hán thiếu nước xảy ra; Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Phối hợp ngành điện lực ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Đối với vùng hồ chứa, chủ động gieo cấy đúng kế hoạch, không gieo cấy ở khu tưới của những hồ không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ…
Trước đó, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các hồ thủy điện xả nước về hạ du để chống hạn. Trong đó, yêu cầu hồ thủy điện Bản Vẽ tăng lưu lượng xả lên mức 200 m3/s nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất Hè-Thu.
Qua kiển tra, lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ tu sửa kênh tưới N8 đoạn qua Yên Thành, để sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất vụ Hè-Thu. |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Võ Thị Nhung, cho biết: Thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo trồng lúa trên những diện tích đã có đủ nước sản xuất. Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành, điều tiết nước phù hợp. Tiếp tục huy động nhân dân nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các kênh, mương, máng để đảm bảo tưới tiêu. Huy động máy bơm dã chiến để bơm nước từ ao hồ, sông suối để chống hạn, tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy. Khuyến cáo bà con chuyển sang chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như: ngô, đậu, dưa..., nhằm khép kín diện tích. Tiếp tục, tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, quản lý, giữ nước tốt trên ruộng. Các địa phương sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ chống hạn kịp thời, hiệu quả...