Miền bắc cơ bản khống chế các điểm cháy rừng; miền nam triển khai nhiều giải pháp chống hạn, mặn cứu lúa

Dự báo, đến 15, 16-3, Bắc Bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của vùng cao áp lạnh lục địa phía bắc, nền nhiệt lại hạ xuống 5-10 độ C, còn trung bình 15-22 độ C. Trạng thái thời tiết xen kẽ giữa ấm và các đợt rét ngắn hạn sẽ còn kéo dài đến đầu tháng 4.

Trước tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đề nghị đài khí thượng thủy văn các địa phương thông báo kịp thời diễn biến thời tiết, nguồn nước và xâm nhập mặn để các tỉnh có biện pháp chỉ đạo đủ nước phục vụ sản xuất và dân sinh; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Ngành nông nghiệp các tỉnh chỉ đạo vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm phân phối nước hợp lý, hiệu quả. UBND các tỉnh bố trí tăng kinh phí đầu tư cho thủy lợi, hỗ trợ xăng dầu và sửa chữa các cống ngăn mặn hư hỏng, xuống cấp...

Tỉnh An Giang đã đóng 26 cống để giữ nước ngọt, đối phó tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Chi cục Thủy lợi tỉnh vừa khảo sát các đập tạm trên tuyến kênh Long Xuyên, đề xuất xây dựng cống điều tiết trên đoạn dài bảy km từ xã Thoại Giang 1 - xã Bình Thành; đặt sáu trạm quan trắc nồng độ nước mặn xâm nhập. Tại huyện Thoại Sơn đã chuẩn bị sẵn sàng cừ tràm, sắt, cao-su và huy động nhân dân đóng cọc dọc theo tuyến kinh Thoại Hà, sẵn sàng đối phó triều cường và lên kế hoạch cung cấp nước ngọt cho nhân dân, bảo đảm sản xuất và cuộc sống của người dân.

Huyện Gò Công Ðông (Tiền Giang) đang huy động nhân lực, đầu tư kinh phí, tổ chức bơm tát kịp thời nhằm cứu gần 2.000 ha lúa đông xuân bị hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng, trong đó hàng trăm ha có nguy cơ mất trắng; triển khai 73 điểm bơm tát khẩn cấp với kinh phí đầu tư khoảng 45 triệu đồng tập trung bơm cứu lúa tại những địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều khu vực như: Rạch Gốc (xã Tân Ðiền), kênh Cây Bàng (xã Tân Thành), toàn bộ nước mặt đã nhiễm mặn với nồng độ cao, không thể lấy nước tưới, một số diện tích lúa chết khô. Phòng nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân tích trữ và sử dụng nước ngọt hợp lý, tiết kiệm.

Tỉnh Trà Vinh hiện còn khoảng 44.000 ha lúa đông xuân chưa thu hoạch, trong đó 12.000 ha ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành đang bị hạn và mặn xâm nhập. Công ty quản lý và khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đang tổ chức vận hành hợp lý cống đầu mối, điều tiết nước theo lịch để ngăn mặn, tiếp ngọt một cách tốt nhất. Hiện nay, độ mặn tại vàm Trà Vinh đã lên đến 7%o, phía sông Hậu khu vực tại vàm Cầu Quan 8%o.

Hiện nay, TP Hà Nội có 86 hồ chứa nước, tưới cho 8.000 ha đất canh tác. Tuy nhiên, phần lớn các hồ hiện xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng nhiều, ảnh hưởng đến sự an toàn hồ chứa. UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí đầu tư các dự án xây dựng hồ chứa nước Ðồng Bồ; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước Ðồng Quan; hồ Văn Sơn và hồ Cẩm Quý, Mèo Gù, Bưởi, Ðầm, Vống, Cầu Bò, Ðầm Ðống, Hát Giang.

Chi cục BVTV Nam Ðịnh cho biết, hơn 26 nghìn ha lúa xuân ở ba huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng đã nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, tạo nguy cơ bùng phát dịch lùn sọc đen hại lúa. Chi cục đã khuyến cáo nông dân phun trừ rầy nâu trên diện tích có mật độ rầy trưởng thành từ một con/m2 trở lên, tăng cường tuyên truyền để nông dân thăm đồng, phát hiện sớm diện tích nhiễm rầy để phòng, trừ kịp thời.

Tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 3.000 ha lúa đông xuân ở 37 xã có biểu hiện nhiễm bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen. UBND vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng cử cán bộ kiểm tra, hỗ trợ kinh phí giúp nông dân mua thuốc trừ rầy. Chi cục BVTV tỉnh hướng dẫn nông dân thăm đồng, phát hiện sớm các ổ bệnh; tổ chức hội nghị đầu bờ tại địa phương để nông dân nhận biết bệnh và các biện pháp phòng trừ, nhổ bỏ những cây lúa bị nhiễm bệnh. Tỉnh hỗ trợ 100% giống cho nông dân gieo cấy lại diện tích lúa tiêu hủy.

Trong những ngày qua, tại vùng sạt lở thuộc ấp Long Thạnh, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Ðồng Tháp) xuất hiện vết nứt dọc tuyến lộ cặp sông Tiền chiều dài hơn 300 m, đe dọa 29 hộ dân đang sinh sống tại đây. Huyện Hồng Ngự đã huy động gần 200 bộ đội, thanh niên các xã giáp ranh cùng chính quyền địa phương giúp 29 hộ buộc phải di dời khẩn cấp tháo dỡ nhà cửa, phương tiện sinh hoạt gia đình di chuyển đến nơi an toàn, không để thiệt hại về người và tài sản khi lở đất xảy ra.

Theo UBND huyện Than Uyên (Lai Châu), anh Vừ A Lải, sinh năm 1966, trú tại xã Khoen On đã tử vong do bị bỏng nặng khi đang cùng nhân dân địa phương dập lửa cứu rừng. Ðám cháy rừng xảy ra ngày 8-3 tại bản Noong Quang, xã Khoen On. Trong khi dập lửa, gió lớn làm lửa bùng lên, táp mạnh khiến anh bị bỏng toàn thân. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, song do vết bỏng quá nặng, anh Lải đã chết.

PV và CTV