Đầu tư nhiều lần vẫn chưa hoạt động
Dọc bến cảng nơi tàu cập và nhà phân loại cá của Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á tại xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, các tuyến mương thu gom nước thải ứ đọng, ngập tràn rác thải lẫn tạp chất hải sản đang phân hủy. Nhiều đoạn của tuyến mương không có song sắt chắn rác, bốc mùi hôi thối nồng nặc quanh cảng cá.
Mặc dù không phải mùa cao điểm tàu cập cảng, tiếp nhận hải sản, nhưng tình trạng ứ đọng đầy rác, nước thải tràn lên mặt bằng cảng cá Mỹ Á khiến mùi hôi thối nồng nặc ô nhiễm ở cảng cá này. Ở một số khu vực, nước thải cảng cá tràn lan, đổ thẳng xuống biển.
“Hôi lắm. Mùa này còn đỡ chứ mấy tháng trước không chịu nỗi”, ngư dân Trần Văn Hùng cho biết.
Cách bến cảng và nhà phân loại hải sản khoảng 500m, Trạm xử lý nước thải cảng Mỹ Á không hoạt động từ nhiều năm qua. Trên diện tích khoảng 1.000m2, hệ thống bể điều hòa, bể xử lý sinh học chứa nước cùng nhiều hạng mục của khu xử lý nước thải xuống cấp, phơi nắng mưa kéo dài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, từ nguồn vốn 185 tỷ đồng của dự án Quản lý thiên tai WB5, đơn vị đầu tư xây dựng nhà tránh bão, nhà điều hành, hệ thống thu gom, xử lý nước thải… tại Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á. Trong đó, hệ thống thu gom, xử lý nước thải được đầu tư từ năm 2018, nhưng đến nay công trình này vẫn đóng cửa.
Liên tục đầu tư nhiều năm nhưng hệ thống xử lý nước thải của Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á vẫn “án binh bất động”. |
Đến năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư hệ thống thoát nước thải cho Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á. Sau nhiều lần đầu tư, đến nay, hệ thống này cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành sử dụng.
“Lượng nước thải không được xử lý, ứ đọng trong mương thu gom bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường tại cảng và khu dân cư xung quanh”, đại diện Ban quản lý Cảng cá cho biết.
Năm 2022, Cảng cá Lý Sơn ở huyện đảo Lý Sơn được đầu tư 3,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và trạm xử lý nước thải; với các hạng mục gồm hệ thống thu gom nước thải về bể gom, nhà điều hành, nguồn điện, các bể chứa, bể điều hòa…
Ông Phan Quốc Cường, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa cho biết, cảng Lý Sơn chủ yếu là tàu vận chuyển, nhập hàng hóa, còn tàu thuyền khai thác hải sản ít vào. Với kinh phí đầu tư gần 3,2 tỷ đồng, hệ thống xử lý nước thải hoàn thành vẫn chưa hoạt động.
“Cảng chủ yếu phục vụ hàng hóa, neo đậu chứ ít tàu cá. Do cảng cá đề xuất, khi đi thẩm định thì cũng có các sở, ngành mới quyết định đầu tư. Lúc nào có tàu thì vận hành, không có thì dừng thôi. Nếu không vận hành thì không chỉ xuống cấp mà còn ô nhiễm hơn, vì nếu hoạt động thì xử lý thải ra ngoài đỡ hơn, chứ không đọng thải càng ô nhiễm hơn”, ông Cường giải thích.
Hàng loạt công trình tiền tỷ “bất cập” ngay sau khi xây dựng xong
Nhằm bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thủy sản, giúp công tác quản lý tàu thuyền, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, gỡ "thẻ vàng" thủy sản của Ủy ban châu Âu... những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa và hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền.
Chỉ tính riêng việc đầu tư hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải cùng một số công trình khác cho 5 cảng cá trọng điểm, từ năm 2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư với kinh phí 32 tỷ đồng; trong đó, cảng Sa Huỳnh 4,2 tỷ đồng, cảng Mỹ Á 6,7 tỷ đồng, cảng Sa Kỳ 7 tỷ đồng, cảng Tịnh Hòa 3,8 tỷ đồng và cảng Lý Sơn 3,2 tỷ đồng.
Các công trình hoàn thành vào tháng 3/2023 và dự kiến đưa vào hoạt động sau đó. Tuy nhiên đến nay, tất cả các công trình đầu tư vẫn chưa thể hoạt động vì nhiều… bất cập.
Hệ thống xử lý nước thải Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa vẫn đóng cửa. |
Với mức đầu tư 3,8 tỷ đồng, Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi được xây dựng hệ thống xử lý nước thải, với công suất 55m3/ngày đêm. Dù đã bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 9/2023, nhưng đến nay công trình vẫn… đóng cửa. Chưa hoạt động nhưng một số thiết bị của trạm xử lý nước thải đã rỉ sét. Trong khi đó, các tuyến mương thu gom chất thải phân hủy hôi thối ứ đọng gây ô nhiễm môi trường cảng cá và khu vực lân cận.
Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng ban quản lý Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa được bàn giao chính thức trạm xử lý nước thải để vận hành. Nếu bàn giao thì anh em cảng nhận kiêm nhiệm và tự vận hành thôi chứ không có người chuyên môn”.
Đại diện Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các cảng cá đã hoàn thành, nhưng chưa đưa vào sử dụng vì có nhiều…bất cập. Tuyến mương thu gom nước thải nhỏ; song chắn rác không hiệu quả khiến rác thải, đất đá... đều lọt xuống mương, tắc nghẽn dòng chảy. Hạ tầng được đầu tư mới, nhưng đã có nhiều bất cập, không xử lý nước thải nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cảng và khu dân cư lân cận kéo dài.
Tuyến mương thu gom nước thải nhỏ, song chắn rác không hiệu quả khiến rác thải, đất đá... đều lọt xuống mương, gây tắc nghẽn dòng chảy khiến việc xử lý nước thải không hiệu quả. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã gửi hồ sơ cho ngành chức năng đề nghị cấp giấy phép môi trường. Tuy nhiên, các hồ sơ bị trả lại vì không đủ điều kiện cấp phép.
“Hệ thống thu gom xử lý nước thải nhưng cả nước mưa tràn vào quá tải, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nước thải. Và chỉ mới đầu tư hệ thống thu gom nước thải ở khu vực bến cá, còn nước thải từ nhà điều hành, cơ sở, hộ kinh doanh trong khu vực cảng chưa thu gom, đấu nối dẫn về hệ thống xử lý. Như vậy, hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá không hiệu quả”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.
Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả và bảo đảm công tác chống khai thác IUU là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thế nhưng sau xây dựng, hàng loạt hệ thống xử lý nước thải ở 5 cảng cá lớn ở Quảng Ngãi lại không thể hoạt động, chờ khắc phục bất cập. Mục tiêu đầu tư các hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm thiểu phần lớn ô nhiễm môi trường tại các cảng cá, vùng biển và khu dân cư lân cận vẫn kéo dài.