Bất cập trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở Quảng Ngãi

Công tác nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ tại tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều bất cập, hạn chế. Không ít đề tài, dự án cấp tỉnh được triển khai khi chưa bảo đảm quy định; việc bố trí kinh phí không phù hợp, gây lãng phí…
0:00 / 0:00
0:00
Nhà màng, nhà lưới thuộc Dự án đầu tư xây dựng mô hình thực nghiệm sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh trên 1.000m2, ngân sách 1,5 tỷ đồng, bị hư hỏng, bỏ hoang sau thời gian ngắn hoạt động.
Nhà màng, nhà lưới thuộc Dự án đầu tư xây dựng mô hình thực nghiệm sản xuất rau an toàn theo phương pháp thủy canh trên 1.000m2, ngân sách 1,5 tỷ đồng, bị hư hỏng, bỏ hoang sau thời gian ngắn hoạt động.

Dự án trùng lặp, không hiệu quả

Từ năm 2014 đến 2017, với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ðức Phổ triển khai dự án "Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi bò thành nghề sản xuất chính của nông hộ trên địa bàn. Kỹ thuật chọn giống và lai tạo giống bò, kỹ thuật chăn nuôi bò cái lai Zebu sinh sản, bê lai hướng thịt, trồng các giống cỏ năng suất cao và biện pháp phòng, chống bệnh trong chăn nuôi bò".

Cả hai dự án có tổng kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng, nhưng điều đáng nói hầu hết các nội dung đều trùng lắp và đã làm từ năm 2014-2017.

Ðến năm 2017, thị xã Ðức Phổ và huyện Sơn Tịnh tiếp tục đề xuất dự án "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển chăn nuôi bò lai tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi" và dự án "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển bò lai hướng thịt". Cả hai dự án có tổng kinh phí khoảng 3,7 tỷ đồng, nhưng điều đáng nói hầu hết các nội dung đều trùng lắp và đã làm từ năm 2014-2017.

Ngoài ra, liên quan đến các dự án lai tạo, xây dựng chuồng trại, chăn nuôi phòng bệnh bò cái sinh sản, bê lai hướng thịt thì từ năm 2013, tỉnh Quảng Ngãi đã từng thực hiện tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành với kinh phí từ ngân sách 2,3 tỷ đồng. Như vậy, thay vì sử dụng, kế thừa phần kết quả của các dự án đã hoàn thành trước để nhân rộng mô hình thì các nội dung, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã "lặp lại", tốn ngân sách hàng tỷ đồng.

Ông Ðỗ Tiến Thật, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Ðức Phổ thừa nhận "Hai dự án na ná giống nhau, xưa làm ở bốn xã đồng bằng, sau đó làm dự án khác cho hai xã miền núi. Ngân sách huyện có hạn, còn trên tỉnh có nhiều nguồn từ sở, ngành. Thấy Sở Khoa học và Công nghệ có kinh phí tỉnh giao hằng năm nên xin để làm".

Sau hai năm, đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển vùng ớt xiêm rừng tại huyện Sơn Hà do Trường đại học Nông lâm Huế thực hiện không còn duy trì. Hơn 500m2 trồng ớt rừng trồng vụ đầu phục vụ nghiên cứu cho ra kết quả khả quan. Thế nhưng đến vụ trồng lần hai, bệnh héo rũ loang rộng, những cây ớt rừng chết dần. 1,2 tỷ đồng tiền ngân sách cho dự án không còn duy trì sau hai năm triển khai. "Lúc trồng nghiên cứu thì tốt nhưng đến vụ thứ hai thì sinh bệnh trên cây không hiệu quả. Ớt rừng thì khó trồng tập trung được vì phát sinh bệnh trên cây. Chúng tôi phối hợp thôi chứ Trường đại học Nông lâm Huế chủ trì", ông Ðinh Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Hà cho biết.

Thiếu giám sát, quản lý

Từ năm 2017 đến 2021 tỉnh Quảng Ngãi bố trí gần 158 tỷ đồng cho hoạt động khoa học và công nghệ với 85 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai ở các lĩnh vực: nông nghiệp, kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên môi trường, y dược… Ðến nay, một số nhiệm vụ khoa học, công nghệ đạt kết quả nhất định như hình thành một số mô hình theo chuỗi giá trị, gắn kết nguồn lực doanh nghiệp với hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Kiểm tra, giám sát 50 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài. Trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu, lãng phí tài sản, thiết bị khi triển khai.

Trong số 27 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã nghiệm thu hoàn thành có bốn đề tài, dự án chi phí 4,5 tỷ đồng xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn trái, hải sản dừng hoạt động sau khi nghiệm thu. Nhiều dự án lĩnh vực thiết bị y tế, bảo tồn cây, con giống, dược liệu kinh phí lên đến 5,4 tỷ đồng sau khi nghiệm thu vẫn chưa được triển khai ứng dụng. Ðặc biệt, dù nhiều nhiệm vụ đã thực hiện nhưng vẫn được bố trí kinh phí tiếp tục triển khai dẫn đến việc "lặp lại" không đúng quy định.

Năm 2013, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi) triển khai xây dựng vườn giống cây ăn quả bưởi da xanh, sầu riêng hạt lép, chôm chôm nhằm tuyển chọn và cung cấp nguồn giống cây ăn quả có chất lượng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2021 chương trình này tiếp tục được bố trí kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có giống cây ăn quả cung cấp cho người nông dân... Tổng kinh phí chi cho các dự án lặp lại nhiệm vụ khoa học, công nghệ tại các đơn vị, địa phương là 7,5 tỷ đồng; nhiều dự án dở dang, không duy trì nguyên trạng, nguy cơ lãng phí tiền tỷ đã chi từ ngân sách.

Tổng kinh phí chi cho các dự án lặp lại nhiệm vụ khoa học, công nghệ tại các đơn vị, địa phương là 7,5 tỷ đồng; nhiều dự án dở dang, không duy trì nguyên trạng, nguy cơ lãng phí tiền tỷ đã chi từ ngân sách.

Lý giải nguyên nhân nhiều đề tài, dự án dừng hoạt động, trùng lắp, bà Trần Thị Cẩm Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ cho rằng, đơn vị đề xuất theo nhu cầu còn việc xét duyệt là do Hội đồng thẩm định. Ðề tài chăm sóc vườn cây ăn quả là dự án "lặp lại", do giai đoạn đầu là trồng mới, sau đó phát triển kinh doanh. Vẫn còn tranh cãi chưa rõ ràng mục tiêu ngay cả sau khi hình thành đề tài, dự án. Nhiều đề tài, lý do nghiên cứu thuyết phục nhưng kết quả không như mong đợi.

Bên cạnh những tồn tại trong nghiên cứu, nhiều dự án, chương trình sau khi thực hiện không có đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu, ứng dụng; nhiều tài sản, thiết bị của dự án khoa học không được sử dụng gây lãng phí. Kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ bố trí thực hiện một số đề tài hiệu quả chưa cao; dự án khoa học, kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp, chưa có sản phẩm được cấp bằng sáng chế; áp dụng khai thác sáng chế vào sản xuất, kinh doanh thực tiễn chưa được thực hiện.

Cần sớm có giải pháp

Ðể bảo đảm yêu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sau khi nghiệm thu cấp sở cần tìm giải pháp nâng cao chất lượng hội đồng tư vấn để lựa chọn, xác định nhiệm vụ phù hợp.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Thành

Nguyên nhân kéo dài tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ tại tỉnh Quảng Ngãi là do một số cơ quan đề xuất đặt hàng chưa tuân thủ quy định, chưa làm hết trách nhiệm trong ứng dụng, nhân rộng kết quả; chất lượng hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính đề tài, dự án chưa cao. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị quản lý kinh phí nhưng chưa phối hợp để xử lý các dự án chậm tiến độ; thiếu kiểm tra, giám sát của ngành chức năng khiến tồn tại, hạn chế lĩnh vực này kéo dài nhiều năm.

Ông Ðinh Văn Chi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Hà cho biết: Dự án do các đơn vị nơi khác về triển khai ở huyện là sở, ngành thẩm định, xét duyệt chứ địa phương không ý kiến, xét duyệt ban đầu. Nếu có sự tham gia của địa phương tham vấn, ý kiến từ đầu thì sẽ phát huy tốt hơn vì ở cơ sở hiểu rõ địa chất, đặc thù vùng.

Ðể khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước lĩnh vực khoa học và công nghệ, các đơn vị chức năng cần giám sát chặt chẽ trong công tác xét duyệt nhiệm vụ khoa học; không thẩm định, tuyển chọn đề tài tràn lan. Ðối với những mô hình nghiên cứu, thí điểm không hiệu quả cần cân nhắc thực hiện để tránh lãng phí ngân sách. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính nhiệm vụ khoa học công nghệ; loại bỏ những đề xuất thiếu tính khả thi; xác định dự án, chương trình phù hợp định hướng phát triển, thực tế của địa phương để phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân sách.

Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Phương Thảo nêu rõ: Cơ quan, đơn vị cần quản lý chặt chẽ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án. Chú trọng công tác kiểm tra điều kiện nghiệm thu các dự án, nội dung khoa học trước khi tiến hành nghiệm thu.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Thành cho biết: Với trách nhiệm của người đứng đầu, đơn vị đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và khắc phục tồn tại, hạn chế trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới. Về mua sắm tài sản, chúng tôi tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục trong kỳ thẩm định nhiệm vụ khoa học và công nghệ mở mới năm 2022. Ðể bảo đảm yêu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ sau khi nghiệm thu cấp sở cần tìm giải pháp nâng cao chất lượng hội đồng tư vấn để lựa chọn, xác định nhiệm vụ phù hợp.