Hàng hóa dồi dào, sức mua tăng cao

Từ ngày rằm tháng Chạp (âm lịch), thị trường Tết bước vào cao điểm khi nhu cầu và sức mua tăng cao. Tại Hà Nội, với nguồn hàng hóa dồi dào, dự báo sẽ không có tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Tết tại siêu thị Winmart (Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Tết tại siêu thị Winmart (Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Những ngày sát Tết là thời điểm thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội sôi động nhất. Các tuyến phố chuyên doanh, cửa hàng, chợ, siêu thị đều đông đúc, tấp nập. Tại 83 điểm chợ hoa Xuân trên địa bàn, các loài hoa, cây cảnh khoe sắc chào đón khách mua.

Chủ nhà vườn Nguyễn Tiến (đường Cổ Linh, quận Long Biên) cho biết: "Năm nay, chúng tôi chuẩn bị 1.000 chậu quất bonsai để cung cấp ra thị trường, giá vừa phải, chỉ từ 150 đến 250 nghìn đồng/chậu. Ðến thời điểm này đã bán được hơn 600 chậu. Hy vọng là còn một tuần nữa sẽ bán được hết hàng". Cùng với quất, cành đào cũng được bày bán nhiều với các mức giá khác nhau. Trong đó, cành đào nhỏ giá từ 100 đến 150 nghìn đồng, cành đào to có giá từ 200 đến 500 nghìn đồng/cành. Các cành đào rừng có giá cao hơn, từ 300 nghìn đồng đến hơn một triệu đồng/cành. Các loại hoa mai vàng, mai trắng, lan hồ điệp, cúc vàng… cũng khá đắt hàng. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, năm nay sức mua khá chậm cho nên giá cũng không tăng.

Tại các chợ trên địa bàn, hàng hóa dồi dào và chưa có hiện tượng tăng giá, trừ các loại rau xanh, hoa tươi do thời tiết miền bắc giá rét kéo dài trong thời gian qua, rau chậm phát triển.

Tại các chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Hôm-Ðức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ)…, giá các loại rau xanh đều tăng từ 10 đến 50% tùy từng loại. Ðơn cử, giá su hào là 8.000 đồng/củ so với trước là 3.000 đồng; rau mùi có giá 90.000 đồng/kg, hành lá 40.000 đồng/kg, đều tăng gấp đôi. Cùng với đó, giá một số loại rau, củ dùng nhiều cho mâm cỗ cúng Táo Quân như súp lơ, cà-rốt, dưa chuột... đều tăng từ 10% trở lên so với ngày thường.

Ðợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua cũng khiến giá hoa tươi tại các chợ đều tăng. Thời điểm trước ngày rằm tháng Chạp, giá hoa hồng chỉ 4.000-5.000 đồng/bông, nay tăng lên 6.000-8.000 đồng/bông tùy loại; giá hoa cúc đại đóa tăng lên 6.000 đồng thay vì giá 4.000 đồng như trước… Các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà… vẫn giữ giá, không tăng so với ngày thường và giảm hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Các loại thịt lợn như nạc vai, sườn, nạc thăn ở mức từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg; móng giò 100.000 đến 110.000 đồng/kg; gà ta loại thường có giá từ 120.000 đến 140.000 đồng/kg; gà đồi có giá 160.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, không khí mua sắm đang nóng lên từng ngày. Nhờ có sự chuẩn bị từ sớm cho nên nguồn hàng phục vụ Tết trong siêu thị rất đầy đủ, dồi dào. Các nhà phân phối cam kết giữ bình ổn giá để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô.

Phó Tổng Giám đốc WinCommerce Nguyễn Tiến Dũng cho biết, năm nay, các siêu thị Winmart tập trung khai thác nhiều hàng hóa bình dân, giá vừa phải để đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, hệ thống Winmart còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi "mua 1 tặng 1", "mua 2 tặng 1", giảm giá 20% thịt lợn, rau củ của VinEco… Siêu thị cũng tăng thời gian mở cửa đến 23 giờ hằng ngày, bán hàng đến 12 giờ trưa ngày 30 Tết và mở lại vào mùng 4 Tết, tập trung toàn bộ nhân sự để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài bán hàng trực tiếp, Winmart cũng duy trì kênh bán hàng online để phục vụ nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood cũng tăng thời gian phục vụ người tiêu dùng, cụ thể, mở cửa hoạt động đến 23 giờ ngày 29 Tết; ngày 30 Tết sẽ mở phục vụ từ 8 giờ đến 12 giờ. Thời gian mở cửa trở lại từ 8 giờ đến 22 giờ ngày mùng 3 Tết.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, qua nắm bắt tình hình và đi kiểm tra thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của thành phố từ công tác chuẩn bị hàng hóa cho tới triển khai bán hàng. Ðáng chú ý, hàng Việt Nam đang chiếm ưu thế trong dịp Tết Nguyên đán năm nay khi tại các siêu thị, tỷ lệ hàng trong nước đạt hơn 90%; mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, giá hợp lý, cho nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Sở Công thương tăng cường nắm bắt tình hình biến động giá cả, an toàn thực phẩm trong đợt cao điểm này. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ nhân dân đón Tết, thành phố đã thành lập bốn đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Thành phố đã cấp phép cho gần 192 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24 giờ mỗi ngày trong khu vực nội thành để bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Ðến nay, đã có hơn 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị phân phối, bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết, từ mùng 6 Tết trở đi, các cửa hàng hoạt động bình thường.