Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định, nền kinh tế “xứ kim chi” đối mặt nguy cơ suy yếu ngày càng tăng do lạm phát cao và tình hình kinh tế bên ngoài xấu đi, trong khi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp suy giảm cản đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt đã đẩy giá tiêu dùng quý II/2022 ở Hàn Quốc tăng ở mức nhanh nhất kể từ năm 1998. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (SK), chỉ số giá tiêu dùng trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 ở mức 107,54 điểm, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, đồng won đã mất giá 11% so với đồng USD, mức giảm giá thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Đồng USD mạnh hơn làm dấy lên lo ngại dòng vốn đầu tư sẽ rút khỏi thị trường Hàn Quốc.
Thâm hụt thương mại gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách nước này lo ngại. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Thống kê của Tổng cục Hải quan Hàn Quốc cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 8, Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại 10,2 tỷ USD. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, nước này có khả năng thâm hụt thương mại tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8.
Áp lực lạm phát tăng cao do tình hình bên ngoài xấu đi và có những lo ngại về suy giảm kinh tế do tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cùng với tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm đe dọa làm mất đà tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc. Trước những chỉ số không khả quan của nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) dự kiến tiến hành cuộc họp ấn định lãi suất trong ngày 25/8 với nhiều dự đoán BOK tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Tháng trước, BOK đã tăng lãi suất thêm 0,5%, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay để kiềm chế lạm phát.
Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 6 của BOK kể từ tháng 8/2021. BOK đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm tăng lãi suất lên mức trung tính, mức lãi suất về lý thuyết không có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng không gây giảm tốc nền kinh tế, để kiềm chế lạm phát tăng nhanh. Theo các chuyên gia, việc tăng mạnh lãi suất có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nhưng đây là điều "không thể tránh khỏi" để đưa các điều kiện kinh tế vĩ mô trung và dài hạn về mức ổn định.
Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” với dự kiến sẽ cắt giảm chi ngân sách vào năm tới. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, ngân sách năm 2023 sẽ thấp hơn mức 679,5 nghìn tỷ won (520 tỷ USD) của năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 13 năm trở lại đây, chi ngân sách của Hàn Quốc giảm so với năm trước. Chính phủ cũng có kế hoạch xem xét lại lương của các bộ trưởng, thứ trưởng và việc những quan chức này sẽ phải nộp lại khoảng 10% thu nhập.
Quốc hội Hàn Quốc đã thành lập ủy ban đặc biệt phụ trách ổn định sinh kế của người dân, với kế hoạch xử lý nhiều dự luật về bất động sản, thuế và các vấn đề khác. Để giảm bớt gánh nặng chi trả hóa đơn năng lượng cho người dân, chính phủ tiếp tục giảm thuế nhiên liệu, theo đó nâng mức cắt giảm thuế đối với tiêu thụ nhiên liệu lên mức giới hạn hợp pháp là 37% từ mức 30% hiện nay. Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định hạ hạn ngạch thuế quan đối với bảy loại nguyên liệu thực phẩm, bao gồm thịt lợn và dầu ăn xuống 0% cho đến cuối năm nay, một trong những biện pháp bình ổn giá hiện hành.
Nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu nhiều thách thức và sẽ không dễ đạt được mục tiêu giữ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 2,6% như dự báo. Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và sinh kế của người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay. Nước này xác định, để khôi phục động lực kinh tế nếu chỉ ngăn chặn lạm phát là không đủ mà cần tập trung vào việc phục hồi xuất khẩu và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất để đối phó những bất ổn kinh tế.
Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ toàn diện về tài chính, hậu cần và tiếp thị để duy trì động lực tăng trưởng của xuất khẩu, trong khi Bộ Tài chính dự kiến đưa ra định hướng tổng thể của chính sách kinh tế và phối hợp thiết lập các kế hoạch ứng phó bằng cách sử dụng các công cụ ngân sách và hệ thống thuế để điều tiết.