Hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp ở Maroc và Argentina

NDO -

Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 3 thập kỷ đang khiến ngành nông nghiệp Maroc phải đối mặt với 1 năm nhiều khó khăn, trong khi sản lượng đậu tương ở vùng canh tác chính tại Argentina dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua, cũng do ảnh hưởng hạn hán.

Hình ảnh 1 cánh đồng khô cạn ở Marrakech, Maroc, ngày 12/2/2022. (Ảnh: Reuters)
Hình ảnh 1 cánh đồng khô cạn ở Marrakech, Maroc, ngày 12/2/2022. (Ảnh: Reuters)

Lượng mưa ở Maroc năm nay thấp hơn 64% so với mức trung bình nhiều năm, khiến mực nước ở các hồ chứa sụt giảm mạnh, trong bối cảnh diễn biến thời tiết càng trở nên khó dự báo hơn trong những năm qua.

Chuyên gia khí hậu Mohamed Benabou cho biết, đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Maroc trong 30 năm qua. Trữ lượng nước ngầm gần như cạn kiệt ở một số vùng nông nghiệp chính như Souss.

Ông Benabou nói, hiện nay, hạn hán xảy ra cứ 2 năm 1 lần, thay vì 1 thập kỷ như giai đoạn trước thập niên 90 của thế kỷ trước.

Khalid Benslimane, người đứng đầu 1 hiệp hội kinh doanh giống cây trồng cho biết, ở hầu hết các vùng phụ thuộc vào lượng mưa, nông dân đã dừng gieo trồng hoặc phải chứng kiến mùa màng thất bát, trong khi ở các vùng tưới tiêu, các hồ chứa đang cạn kiệt.

Các hồ chứa ở Maroc trung bình chỉ đang ở mức khoảng 33,2% dung tích so với 48,5% ở thời điểm này năm ngoái. Tại vùng nông nghiệp trọng điểm Doukala, thậm chí hồ chứa Al Massira chỉ ở mức 6,7% dung tích.

Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đang khiến nông dân Maroc đối mặt với nhiều khó khăn, buộc chính phủ phải tăng hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc.

Mới đây, Maroc đã công bố 1 chương trình giảm thiểu hạn hán với ngân sách 1 tỷ USD, nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp về thức ăn gia súc, kỹ thuật tưới tiêu hiệu quả cùng với hỗ trợ tài chính cho nông dân gặp khó khăn.

Với sản lượng thu hoạch dự kiến thấp hơn nhiều trong năm nay, Maroc có thể sẽ phải nhập khẩu hơn 10 triệu tấn ngũ cốc, so với 8 triệu tấn năm ngoái.

Để ổn định giá cả thị trường, chính phủ cũng dự kiến tăng chi cho trợ cấp giá lúa mì mềm lên 3,8 tỷ dirham (410 triệu USD) trong năm nay, so mức 3,3 tỷ dirham vào năm ngoái. Bộ trưởng phụ trách ngân sách Fouzi Lekjaa cho biết, con số này cao hơn so với mức trung bình khoảng 1,3 tỷ dirham trong những năm gần đây.

Hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp ở Maroc và Argentina -0
Cánh đồng đậu nành và ngô bị ảnh hưởng bởi hạn hán gần Chivilcoy, Argentina. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, sản lượng thu hoạch đậu tương mùa vụ 2021-2022 tại vùng canh tác quan trọng ở miền trung Argentina dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua, do chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán, theo báo cáo công bố ngày 25/2 bởi sàn giao dịch ngũ cốc Rosario.

Argentina là nhà xuất khẩu dầu và bột đậu nành hàng đầu thế giới, trong khi là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu ngô và cũng là 1 nước canh tác lúa mì quan trọng. Tuy nhiên, các vùng canh tác tại quốc gia Nam Mỹ này đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán kéo dài từ tháng 12 năm ngoái, buộc sàn giao dịch Rosario phải cắt giảm mạnh ước tính sản lượng đậu nành trên toàn quốc xuống 40,5 triệu tấn, từ mức 45 triệu tấn ban đầu.

Đặc biệt, tại vùng canh tác lõi quan trọng của đất nước, sản lượng loại hạt này sẽ chỉ ở mức 12,4 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua, tương đương thiệt hại khoảng 30% sản lượng thu hoạch.

Trong vùng lõi với 4,45 triệu ha trồng đậu nành, Rosario cho biết chỉ có 2 triệu ha trong điều kiện bình thường, trong khi 670 nghìn ha ở điều kiện xấu, trong đó 185 nghìn ha coi như mất trắng.

Sàn giao dịch ngũ cốc quan trọng nhất của Argentina trước đó cũng đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo sản lượng ngô xuống 48 triệu tấn, so với dự báo 56 triệu tấn ban đầu. Để tránh thiệt hại thêm, nông dân đang thu hoạch ngô sớm hơn bình thường ở khu vực nông nghiệp trọng điểm của Argentina, nhưng năng suất thu được cho đến nay cũng không mấy hứa hẹn.

Do tác động của thời tiết khô hạn, cháy rừng cũng đang lan rộng trên nhiều khu vực canh tác quan trọng ở Argentina.