Những kỷ niệm sâu sắc với Madeleine Riffaud

NDO - Madeleine Riffaud là một đại diện tiêu biểu cho lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm đấu tranh vì công lý, lẽ phải, hòa bình và có một trái tim yêu thương thật giản dị, chân thành và luôn nghĩ, hành động vì đất nước Việt Nam. Madeleine Riffaud sẽ luôn còn mãi trong trái tim của mọi người. Đó là chia sẻ xúc động của chị Trần Thu Hoàn, cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương, về người bạn lớn của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Trần Thu Hoàn được gặp bà Madeleine Riffaud lần đầu tiên vào năm 2022.
Chị Trần Thu Hoàn được gặp bà Madeleine Riffaud lần đầu tiên vào năm 2022.

Tôi đến Pháp nhận công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp những tháng cuối năm 2020. Gần đến năm mới 2021, tôi được giao nhiệm vụ liên lạc chuyển quà tới các bạn bè, đối tác thân thiết của Việt Nam và Đại sứ quán, trong đó có Madeleine Riffaud.

Trong hiểu biết của tôi khi đó, Madeleine Riffaud cùng Henri Martin và Raymonde Dien là những tên tuổi Pháp tiêu biểu, biểu tượng cho sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân tiến bộ Pháp và thế giới đối với cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do của Việt Nam. Đó là những “lão thành cách mạng”, những ngọn cờ đầu, là những người đồng chí và là những người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam. Tôi khâm phục họ bởi mỗi người theo mỗi cách khác nhau, với lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm đều theo đuổi và đấu tranh hết mình cho lý tưởng lớn lao và cao đẹp.

Tôi tìm thêm thông tin trên báo chí, báo Pháp nói về Madeleine Riffaud. Được biết, bà là nữ chiến sĩ cách mạng tiêu biểu trong thời kỳ chống phát xít Đức, rất được tôn trọng và đã được nhận Huân chương Quốc công cao quý. Bà cũng là nhà thơ kháng chiến viết cho ước vọng tự do và nhà báo chiến trường chuyên sâu về chiến tranh Algeria và Việt Nam. Báo chí tiếng Việt thì nói về thời kỳ Madeleine Riffaud là phóng viên của báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp trong những năm 1960.

Bà đã có mặt cả ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam để trực tiếp chứng kiến, quay phim, viết và đưa tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bà được nhiều người Việt Nam quý mến, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhiều lần và đã có nhiều tác phẩm về Việt Nam được công chúng quốc tế đánh giá cao.

Tôi cũng chú ý đến câu chuyện về mối quan hệ đặc biệt giữa Madeleine Riffaud và nhà thơ Nguyễn Đình Thi, về chuyện tình đẹp hiếm có giữa hai tâm hồn thơ ca và giữa hai người cộng sản Pháp-Việt Nam mà cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng biết. Chắc cũng một phần vì lý do này mà Madeleine Riffaud càng thêm yêu mến và gắn bó đặc biệt với Việt Nam.

Tôi liên lạc theo số điện thoại nhà riêng của Madeleine Riffaud được ghi trong danh bạ do đồng nghiệp để lại. Ba buổi chiều liên tiếp chỉ là lời thư thoại tự động từ đầu dây “bạn đang gọi đến số của Madeleine Riffaud, hiện tại tôi không thể nhấc máy, hãy gọi lại sau một giờ hoặc hai giờ hoặc lâu hơn nhưng đừng vào buổi tối vì ảnh hưởng tới những người chung quanh”. Đến ngày thứ tư, Madeleine Riffaud nhấc máy, tôi lắp bắp: "Đại sứ Việt Nam tại Pháp có quà gửi bà nhân dịp năm mới 2021, cháu xin phép mang quà đến nhà bà". Madeleine đáp: Tôi gửi lời cám ơn Đại sứ vì nhớ đến tôi nhưng tôi đang tự cách ly trong nhà để tránh Covid, không ra ngoài và cũng không thể gặp gỡ ai. Tôi nài nỉ: Bà cho cháu đến nhà đưa quà rồi cháu về ngay. “Tôi đã nói tôi đang tự cách ly, không ra ngoài và không thể tiếp xúc ai. Tôi cám ơn Đại sứ đã quan tâm”, bà vẫn nói vậy. Sau này tôi mới hiểu lý do vì sao hôm đó bà lại như vậy.

Thời điểm ấy, dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại Pháp. Tôi đành gửi quà qua bưu điện nhưng bị trả lại vì lý do không có người ra nhận. Nhớ lại lời của anh đồng nghiệp “Bà lớn tuổi rồi, khó tính, ít tiếp xúc, chỉ có dịp đặc biệt mới đến thăm được. Người từ Đại sứ quán, của Đảng Cộng sản Việt Nam là bà quý lắm”. Tôi quyết định không đến nhà Madeleine nữa, dù gì bà cũng đã biết chúng tôi vẫn luôn nhớ đến bà.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Pháp trong suốt năm 2021. Gần đến năm mới 2022, tôi lại tìm cách liên hệ để xin đến thăm Madeleine Riffaud. Lần này điện thoại của bà đã có chế độ để lại lời nhắn. Tôi trình bày nguyện vọng và để lại số liên hệ. Vài ngày sau, một người bạn của Madeleine gọi lại cho tôi và kể rằng bà đã rất xúc động khi biết Đại sứ quán Việt Nam vẫn luôn quan tâm và nhớ đến bà. Đã nhiều năm nay sức khỏe của Madeleine yếu, mắt lòa, nói và đi lại khó khăn. Do tuổi cao và miễn dịch yếu, bác sĩ không cho phép bà tiêm vaccine phòng Covid-19 và chỉ cho rất ít người được tiếp xúc để tránh rủi ro. Madeleine nhờ bạn giải thích đầy đủ và cặn kẽ lý do không thể gặp mặt và chuyển lời mong chúng tôi thông cảm. Tôi sau đó hẹn gặp và nhờ bạn của bà, ông Jean-David Morvan.

Ông Morvan là bạn đồng hành của Madeleine Riffaud trong nhiều năm để thực hiện dự án xuất bản tuyển tập truyện tranh "Madeleine, résistante" (tạm dịch là "Madeleine, nữ chiến sĩ kháng chiến"), kể về cuộc đời anh dũng và truyền cảm hứng của bà. Madeleine nói và kể, ông Morvan ghi và thể hiện lại bằng truyện tranh. Thật ngưỡng mộ cho trí nhớ, sự minh mẫn và tỉnh táo của Madeleine, một con người đã ở ngưỡng tuổi gần 100 kể về cuộc đời mình, giúp thế hệ sau hiểu và biết thêm về quá khứ, về lịch sử đã qua.

Ngày hẹn gặp để chuyển quà, tôi đã thật sự bất ngờ và xúc động khi ông Morvan mang theo một quyển sách - ấn phẩm đầu tiên của tuyển tập nói là của Madeleine Riffaud gửi tặng. Tôi mở trang đầu tiên, chữ ký của Madeleine và dòng chữ viết tay bằng tiếng pháp “Dành cho Việt Nam” (Pour le Viet Nam). Ngay chiều hôm đó, tôi nhận được dòng tin nhắn “Madeleine gửi lời cám ơn Đại sứ và cô vì món quà”. Trong suy nghĩ của tôi khi đó, Madeleine thật chu đáo và tình cảm.

Trong năm 2022, tôi có vài lần liên hệ với ông Morvan, nhờ thu xếp để Đại sứ đến thăm Madeleine Riffaud nhưng đều không thành. Chủ yếu do sức khỏe Madeleine không đảm bảo, thậm chí có lần bà ốm thập tử nhất sinh phải nhập viện trong thời gian dài. Mỗi lần hỏi thăm là mỗi dòng hồi âm ấm áp “Madeleine gửi lời cám ơn. Bà rất xúc động khi mọi người vẫn nhớ và quan tâm đến bà. Bà luôn nghĩ đến Việt Nam và vui khi người Việt Nam nhớ đến bà”. Nhưng hẳn cũng có phần do ông Morvan quá lo lắng về sức khỏe của Madeleine mà lần lữa chuyện cho chúng tôi gặp bà.

Những ngày cuối năm 2022, tình hình dịch Covid-19 tại Pháp đã lắng dịu, các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc được khôi phục và cải thiện đáng kể. Vì thế, dù không biết chính xác căn hộ Madeleine ở, tôi vẫn quyết định tìm đến thăm bà mà không hẹn trước. Ông Morvan luôn nói phải hẹn trước để có người mở cửa, hoặc là ông hoặc là y tá, vì khi ở một mình, Madeleine không tự đi lại được.

Lấy lý do chỉ để quà ngoài cửa mà không vào, cuối cùng tôi cũng được cho biết Madeleine ở tầng 3. Bước lên cầu thang, ngay trước cửa căn hộ, nghe tiếng trao đổi của hơn một giọng nói, tôi đánh liều gõ cửa. Và người y tá hàng ngày vẫn đến chăm sóc cho Madeleine theo khung giờ cố định, hôm ấy, thật quá may mắn cho tôi, đã ở lại muộn hơn bình thường, ra mở cửa. Đó là lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp mặt Madeleine Riffaud.

Madeleine ngồi trên giường, có phần mệt mỏi và yếu, mắt đã lòa, có lẽ cũng do dư âm từ đợt điều trị dài ngày trong viện. Nghe y tá giới thiệu tôi từ Đại sứ quán Việt Nam đến thăm, bà nhoẻn miệng cười đôn hậu và chìa tay ra để tôi có thể nắm lấy tay bà thân tình. Người y tá gợi ý và đã chủ động quay lại hình ảnh Madeleine nói cảm ơn và chúc mừng năm mới gửi tới Đại sứ. Ngay lúc đó, phần nội dung tôi nghe và hiểu đủ khiến tôi vô cùng xúc động “Việt Nam là Tổ quốc thứ 2 của tôi,… Hết năm con hổ, sang năm mới con mèo, chúc sức khỏe và thịnh vượng”. Đoạn hình ảnh quý giá đó vẫn được tôi lưu giữ cẩn thận trong điện thoại. Vài tuần sau đó, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận được cuộc gọi từ Madeleine chúc mừng năm mới Quý Mão, hôm đó là ngày 29 tháng chạp theo lịch ta.

Việt Nam là Tổ quốc thứ 2 của tôi!

Madeleine Riffaud

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris và thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng yêu cầu tôi thu xếp để đến thăm hỏi Madeleine Riffaud, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bạn bè, đồng chí đã luôn sát cánh, ủng hộ dân tộc Việt Nam. Cuộc gặp đã diễn ra vào ngày 7/12/2023 trong không khí thân tình và xúc động. Trò chuyện cùng Đại sứ, Madeleine đã kể lại hồi ức khi Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1965 và hậu quả và tác động khốc liệt của cuộc chiến mà bà đã chứng kiến và ghi lại hình ảnh. Bà cũng hỏi Đại sứ về tình hình và sự phát triển, thay đổi của Việt Nam những năm qua.

Hôm đó, đoàn chúng tôi đã rất may mắn được bà cho phép đi thăm nhà và tầng gác mái, nơi bà lưu giữ rất nhiều kỷ vật về Việt Nam, những băng rôn khẩu hiệu, áp phích, những đồ lưu niệm, tờ báo, tạp chí… mà thế hệ như tôi chỉ được nghe kể hay biết đến qua sách báo, phim ảnh.

Ngày hôm sau, ông Morvan liên hệ kể cho tôi Madeleine hỏi ông rằng tôi có đi cùng Đại sứ hay không vì bà không thấy tôi lên tiếng. Madeleine muốn tặng tôi ấn phẩm sách thứ 2 tiếp theo trong tuyển tập vừa được xuất bản, quyển sách mà Đại sứ đã ngỏ ý xin mà chưa nhận được. Vì vậy tôi lại có lý do được đến thăm Madeleine lần thứ 3, vào đầu năm 2024, để lấy sách và cũng để chào bà trước khi về lại Việt Nam. Hình ảnh người bà với nụ cười đôn hậu, tóc tết dài với ánh mắt ẩn chứa ý chí kiên cường, mạnh mẽ và với tình cảm yêu thương luôn dành cho Việt Nam, và cho cá nhân tôi - một người trẻ trong lần gặp cuối cùng đó sẽ khiến tôi nhớ mãi. Bà đã chúc tôi trở về nhà, về Việt Nam, Tổ quốc thứ 2 của bà bình an, thuận lợi và dặn nếu có dịp quay lại Pháp hãy đến thăm bà, bất cứ lúc nào, chỉ cần bà vẫn còn khỏe đến lúc đó.

Những kỷ niệm sâu sắc với Madeleine Riffaud ảnh 1

Chị Trần Thu Hoàn được gặp bà Madeleine Riffaud vào tháng 1/2024.

Nghe tin Madeleine mất ngày 6/11/2024, chưa đầy 3 tháng sau sinh nhật 100 tuổi của bà vào ngày 23/8, tôi hụt hẫng và đau buồn dù vẫn biết ngày đó trước sau cũng đến. Vậy là “tượng đài” cuối cùng trong ba biểu tượng vĩ đại cho sự đoàn kết và ủng hộ của nhân dân Pháp đối với Việt Nam trong tôi cũng đã không còn nữa. Tôi buồn nhưng tin rằng Madeleine vẫn luôn còn đó, dõi theo và ủng hộ Việt Nam.

Kỷ niệm đẹp về Madeleine trong tôi, cũng như câu chuyện về cuộc đời của bà, đại diện tiêu biểu cho lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm đấu tranh vì công lý, lẽ phải, hòa bình, và một trái tim yêu thương giản dị và chân thành dành cho đất nước Việt Nam, tôi tin, sẽ luôn còn mãi với thời gian, sẽ luôn là lịch sử truyền cảm hứng cho tôi và nhiều thế hệ mai sau trên con đường sắp tới.