Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, các phương tiện hư hỏng nặng. Trong đó, có 3 vụ xảy ra vào ban đêm, 1 vụ xảy ra vào sáng sớm. Về nguyên nhân, có 2 vụ do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, 1 vụ do phương tiện không bảo đảm an toàn (mất phanh) và 1 vụ do sử dụng rượu bia.
Điển hình là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam) rạng sáng 14/2 giữa xe ô-tô khách mang biển kiểm soát 76B-006.60 với xe ô-tô đầu kéo biển kiểm soát 92H-004.33, sơ-mi rơ-moóc biển kiểm soát 92R-004.69 làm 10 người chết, 11 người bị thương.
Cũng tại tỉnh Quảng Nam, rạng sáng 21/2, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nữa xảy ra ở huyện Núi Thành, do xe ô-tô khách mang biển kiểm soát 51B-199.56, tông vào đuôi xe ô-tô tải mang biển kiểm soát 81C-156.90 đỗ sát bên phải đường làm 3 người chết và 13 người bị thương.
Trước đó, ngày 12/1, tại Km1370+900 trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), xe ô-tô tải mang biển kiểm soát 47H-017.15 bị lật nghiêng về phía bên trái theo chiều đi làm 3 người ngồi trên xe ô-tô chết tại chỗ...
Ở các vụ tai nạn nêu trên, ngoài nguyên nhân là lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông còn có nguyên nhân khách quan do địa bàn các tỉnh miền trung nằm ở vị trí mà xe ô-tô từ các tỉnh, thành phố ở khu vực hai đầu bắc-nam khi đi qua thường rơi vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng, lái xe trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ.
Đây là thời điểm cần nghỉ ngơi theo nhịp sinh học của con người nên lái xe thường chủ quan và thiếu tỉnh táo. Thời tiết tại các tỉnh miền trung thường xuyên có mưa, sương mù dẫn đến tầm nhìn của lái xe bị ảnh hưởng. Một số phương tiện không bảo đảm an toàn nhưng vẫn lưu thông, trong khi hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ.
Ở các vụ tai nạn nêu trên, ngoài nguyên nhân là lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông còn có nguyên nhân khách quan do địa bàn các tỉnh miền trung nằm ở vị trí mà xe ô-tô từ các tỉnh, thành phố ở khu vực hai đầu bắc-nam khi đi qua thường rơi vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng, lái xe trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ.
Đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến đường tại khu vực miền núi có địa hình quanh co. Việc tổ chức giao thông trên quốc lộ 1A và các tuyến đường tỉnh lộ ở các tỉnh miền trung còn nhiều bất cập. Ở tỉnh Quảng Nam hiện có 39km trên tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn không có đường cho xe thô sơ; phương tiện giao thông kết nối hỗn hợp; 8km đường không có dải phân cách. Nhiều khu dân cư, cụm công nghiệp, trường học, chợ... nằm ven tuyến quốc lộ và tỉnh lộ; có nhiều đường ngang đấu nối, giao cắt nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông...
Để hạn chế tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra như vừa qua, các bộ, ngành và địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động người điều khiển phương tiện giao thông, nhất là xe cơ giới chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; làm tốt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông. Lái xe ô-tô chở khách đường dài nên nghỉ ngơi, cần tỉnh táo trước khi tiếp tục điều khiển phương tiện lưu thông để giữ được sự an toàn.
Bộ Giao thông vận tải xem xét mở rộng quốc lộ 1A, đặc biệt là tại các vị trí trước trường học, cụm công nghiệp, điểm dừng của xe buýt; sớm rà soát, tổ chức lại hệ thống an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ qua các địa phương bảo đảm đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa qua ở miền trung hầu hết xảy ra vào ban đêm nên cần tăng cường hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của lái xe.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp phù hợp để tăng cường an toàn giao thông tại các nút giao giữa quốc lộ 1A và các tuyến tránh, nút giao của những tuyến đường khác ở địa phương thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông như các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô, trong đó sớm bổ sung quy định xử phạt đối với đơn vị không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng.
Cục Đường bộ Việt Nam nâng cấp phần mềm Hệ thống thiết bị giám sát hành trình vì hiện nay việc cập nhật, tổng hợp trên phần mềm Hệ thống thiết bị giám sát hành trình thường có độ trễ nhất định nên chưa bảo đảm tính kịp thời trong việc chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm túc các chuyên đề của Bộ Công an về xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải, xe chạy quá tốc độ, người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông; tăng cường công tác tuần tra, nhất là ở những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, khu vực nguy cơ xảy ra tai nạn vào khung giờ cao điểm; qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; khẩn trương điều tra, làm rõ, đánh giá cụ thể nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, sớm có kết luận điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm...