Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng đã xác định ba trụ cột phát triển kinh tế chính gồm: Công nghiệp-công nghệ, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại; trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững.
Hải Phòng phấn đấu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng hằng năm khoảng 13,5%-14,5%; đưa tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 46%... Do vậy, việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, trong tổng số 947 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 24,5 tỷ USD còn hiệu lực trên địa bàn thành phố Cảng có tới 93% số vốn đầu tư nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Riêng trong năm 2022, hơn 81% vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng với 56 dự án là trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng đạt doanh thu 26,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 22,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,15 tỷ USD; nộp ngân sách 16.131 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 195.000 lao động…
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố có một Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải với diện tích 22.540ha và 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích hơn 6.000ha, gồm 9 khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế.
Theo đánh giá sơ bộ, trừ diện tích các khu công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng, đang triển khai, chưa thu hút đầu tư, thì việc lấp đầy diện tích đã đạt tới 94%... Việc mở rộng, phát triển mới các khu công nghiệp đang được thành phố Hải Phòng tập trung quyết liệt.
Theo Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 6.200ha. Đến nay, tại Hải Phòng đã có hai dự án gồm Khu công nghiệp Xuân Cầu với diện tích 752ha và Khu công nghiệp Tiên Thanh với diện tích 410,46ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục cần thiết để khởi công trong thời gian tới.
Bốn khu công nghiệp khác gồm: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3 và Giang Biên 2 đang được triển khai thủ tục tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bảy khu công nghiệp khác với tổng diện tích 3.161ha đang thực hiện các bước chuẩn bị thành lập.
Ngay đầu năm 2023, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã họp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, các địa phương và chủ đầu tư các khu công nghiệp nhằm rà soát những khó khăn, vướng mắc và tập trung bàn, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ mở mang, phát triển các khu công nghiệp. Lãnh đạo thành phố đôn đốc, yêu cầu các huyện Thủy Nguyên, An Dương và các khu công nghiệp: Vsip Hải Phòng, An Dương đẩy nhanh tiến độ, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng các diện tích còn lại trong sáu tháng đầu năm 2023.
Cùng với đó, thành phố yêu cầu chủ đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh nhanh chóng ứng kinh phí cho huyện Tiên Lãng phục vụ giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào trung tuần tháng 5 tới. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai các khu công nghiệp: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3 và Giang Biên 2, ngay khi Quy hoạch chung phát triển thành phố được phê duyệt và hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Cùng với phát triển các khu công nghiệp mới, Hải Phòng cũng chủ trương thực hiện mở rộng các khu công nghiệp và phát triển các cụm công nghiệp để gia tăng quỹ đất và khai thác tối đa những lợi thế về địa lý, tài nguyên biển của thành phố, tạo dựng tiền đề vững chắc để thu hút đầu tư. Ngoài các cụm công nghiệp đang triển khai gồm: Tiên Cường 2, Đại Thắng (huyện Tiên Lãng); Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), thành phố Hải Phòng vừa có quyết định thành lập mới các cụm công nghiệp: Quang Phục (huyện Tiên Lãng), Dũng Tiến-Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), An Thọ (huyện An Lão) và đang tiếp tục bổ sung các cụm công nghiệp khác vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của thành phố.
Việc phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Hải Phòng đang nỗ lực "tạo ổ đón đại bàng" trong thu hút đầu tư phát triển, góp phần tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.