Hải Phòng nhanh chóng khôi phục hệ thống viễn thông sau bão

Bão số 3 đổ bộ trực diện vào Hải Phòng khiến hệ thống viễn thông trên địa bàn thành phố thiệt hại nặng nề. Với quyết tâm cao, rất nhanh sau bão, các doanh nghiệp viễn thông đã cấp tốc sửa chữa, khôi phục và mạng viễn thông trên địa bàn thành phố Cảng đã sớm hoạt động trở lại phục vụ sản xuất và đời sống…
Cán bộ, nhân viên kỹ thuật các doanh nghiệp viễn thông khắc phục sự cố sau bão số 3 tại Hải Phòng. (Ảnh V.T)
Cán bộ, nhân viên kỹ thuật các doanh nghiệp viễn thông khắc phục sự cố sau bão số 3 tại Hải Phòng. (Ảnh V.T)

Bão số 3 được các nhà chuyên môn ghi nhận là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Hải Phòng với con số thống kê sơ bộ lên tới 11.000 tỷ đồng. Cùng với nhiều nhà dân, nhà xưởng sản xuất các khu công nghiệp bị tốc mái, cây xanh, cột điện gãy đổ khắp nơi, gây mất điện, mất nguồn cấp nước sạch và nhất là ngưng trệ mạng viễn thông trên diện rộng.

Ngay sau khi bão số 3 đi qua mấy tiếng đồng hồ, sáng 8/9, Thành ủy Hải Phòng đã họp khẩn với các ngành, các địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão. Cùng với việc bảo đảm an toàn, chăm lo đời sống người dân sau bão, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng khôi phục giao thông, lưới điện, hệ thống cấp nước sạch và hạ tầng mạng thông tin liên lạc…

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, bão số 3 đã khiến 1.686 trạm BTS trong tổng số 2.650 trạm BTS mạng viễn thông di động toàn thành phố bị mất liên lạc, trong đó 30 trạm bị gãy đổ cột ăng-ten, 83 trạm bị đổ, tốc mái nhà trạm; 112 nút gom (UPE) mạng viễn thông cố định cấp huyện trong tổng số 157 nút gom toàn thành phố bị mất liên lạc; gần 75% số thuê bao FTTH bị mất liên lạc…

Khi bão đổ bộ, đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) bị cô lập do đứt cả hai tuyến cáp quang trong vòng Ring và hỏng thiết bị Viba; huyện đảo Bạch Long Vĩ bị hỏng toàn bộ hệ thống kết nối vệ tinh, chỉ liên lạc được bằng thiết bị điện thoại vệ tinh chuyên dụng Inmarsat của VNPT trang bị tại đảo.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Phạm Văn Tuấn cho biết, ngay trong thời điểm bão đổ bộ, sở phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động bố trí xe phát sóng lưu động tăng cường phát sóng, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống bão của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố và các cấp, các ngành. Trong đó, Viettel bố trí hai xe phát sóng để phủ sóng phục vụ chỉ đạo phòng chống bão tại khu vực Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và Trung tâm Hội nghị thành phố. Các doanh nghiệp viễn thông cũng thực hiện nhắn tin khuyến cáo người dân thực hiện phòng chống bão số 3.

Ngay sau bão, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông huy động tối đa nguồn lực để khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm khôi phục hoạt động hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất. Cùng với việc khẩn trương khôi phục các mạng cáp quang cho địa bàn trong đất liền, duy trì máy phát tại các trạm còn đang bị mất điện lưới, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã khẩn trương khắc phục kết nối Viba ra các huyện, đảo; sử dụng tạm thời hệ thống cáp quang vượt biển của Sungroup, đưa xe chuyên dụng ứng cứu thông tin liên lạc của Viettel ra đảo Cát Bà…

Đến trưa 10/9, hệ thống liên lạc ra đảo Cát Bà đã bảo đảm phủ sóng tuyến đường xuyên đảo và toàn bộ các khu vực dân cư tập trung từ Hiền Hào đến thị trấn, bao gồm toàn bộ khu vực Trung tâm Chính trị-Hành chính huyện Cát Hải. Cũng trong ngày 10/9, đội ứng cứu viễn thông đã ra đảo Bạch Long Vĩ trong chuyến tàu đầu tiên và khắc phục hệ thống kênh vệ tinh vào trưa 11/9, bảo đảm phủ sóng 4G cho huyện đảo tiền tiêu xa xôi giữa vịnh Bắc Bộ...

Thượng tá Nguyễn Đức Châu, Giám đốc Viettel Hải Phòng chia sẻ, trong và ngay sau bão, Viettel Hải Phòng đã huy động toàn bộ nhân lực, vật tư, thiết bị tại chỗ cùng lực lượng hỗ trợ đến từ Tổng công ty và Viettel các tỉnh, thành phố cả nước, cùng dồn sức cho ứng cứu thông tin, khôi phục hạ tầng bảo đảm thông tin liên lạc. Đội ngũ cán bộ, công nhân, nhân viên kỹ thuật của Viettel đã làm việc liên tục, xuyên đêm, không kể ngày nghỉ hay mưa gió… để khôi phục hệ thống thông tin liên lạc nhanh nhất có thể. Năm ngày sau bão, Viettel đã bảo đảm phủ sóng di động đạt 97% trên địa bàn toàn thành phố Hải Phòng. Đến chiều 17/9, Viettel cũng đã khôi phục xong sự cố, hoàn thành kết nối sóng di động tại 2 địa bàn xa xôi nhất là huyện đảo Bạch Long Vĩ và xã đảo Việt Hải của huyện đảo Cát Hải, bảo đảm 100% các xã, phường trên địa bàn thành phố Cảng có sóng di động Viettel. Cùng với đó, Viettel cũng đã khôi phục 97% mạng dịch vụ cố định băng rộng và nỗ lực hoàn tất 100% vào cuối tháng 9.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Phạm Văn Tuấn, đến ngày 20/9, mạng lưới thông tin liên lạc toàn thành phố đã khôi phục đạt trên 97%. Đáng chú ý, tại đảo Cát Bà, cả 3 nhà mạng VNPT, Viettel, Mobifone đã khôi phục hoàn toàn thông tin liên lạc; trong đó, VNPT đã khôi phục hoàn toàn liên lạc băng rộng cố định, di động; Viettel đã khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc và đang khắc phục 5 cột BTS; MobiFone đã khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc tại 23 trạm BTS và tiếp tục khắc phục 6 trạm còn lại. Riêng tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, VNPT và Viettel đã khôi phục hoàn toàn thông tin liên lạc tại huyện đảo… Cùng với đó, mạng viễn thông di động toàn thành phố Hải Phòng đã khôi phục được 1.574 trong tổng số 1.686 trạm BTS bị mất liên lạc; đối với mạng viễn thông cố định đã khôi phục toàn bộ 112 nút gom mạng cấp huyện UPE và số thuê bao FTTH online đã đạt 315.767 thuê bao và đang khắc phục kết nối của khoảng 42.000 thuê bao còn lại…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố Hải Phòng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, quyết tâm cao của các doanh nghiệp và sự chung tay hỗ trợ của các địa phương; hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân nơi tâm bão Hải Phòng đã dần trở lại bình thường.

Bão số 3 như "phép thử" để các ngành, các cấp, cũng như các doanh nghiệp viễn thông có giải pháp chủ động hơn để đối phó với các tình huống tương tự; qua đó cũng đặt ra vấn đề, Hải Phòng cần đẩy nhanh chương trình chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, thực hiện "ngầm hóa" hệ thống lưới điện và mạng cáp viễn thông.