Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn là những trọng điểm trong định hướng xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn, điểm đến hấp dẫn của du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố ngày 15/10/2020 và Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050.
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động du lịch tại hai trọng điểm này của thành phố Hải Phòng chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí có thời điểm còn mất dần vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế là tình trạng chia cắt, manh mún trong quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và những vi phạm về quản lý đất đai, xây dựng còn kéo dài trong nhiều năm chưa được xem xét, xử lý dứt điểm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh thừa nhận, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên quần đảo Cát Bà trong nhiều năm qua lỏng lẻo đã ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư, phát triển du lịch của địa phương. Trong đó, khu vực Áng Khe Thùng, Áng Bù Nâu (thuộc thị trấn Cát Bà) - nơi nhiều hộ dân và doanh nghiệp sử dụng đã hết thời hạn thuê đất, sử dụng đất và xây dựng các công trình không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không nộp tiền thuê đất trong nhiều năm qua… Thậm chí, tại các khu vực này có những trường hợp chính quyền huyện có quyết định thu hồi đất từ nhiều năm qua, nhưng vẫn không được thực hiện một cách kiên quyết. Có trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản trên đất từ cách đây 20 năm, nay vẫn sử dụng, khai thác hoa lợi trên đất…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn Trần Khắc Kiên, đất đai trong khu du lịch Đồ Sơn bị chia cắt, manh mún do lịch sử để lại. Trong đó, nhiều cơ sở điều dưỡng, nhà nghỉ giao cho các bộ, ngành, đơn vị không được quan tâm đầu tư phát triển, chia nhỏ để cho thuê điểm kinh doanh mang tính tạm bợ. Nhiều cơ sở trong số đó để xuống cấp, hoang tàn, thậm chí bỏ hoang lãng phí và nhất là tình trạng vi phạm trong quản lý đất đai và lấn chiếm mặt đất, mặt biển xây dựng trái phép các công trình nhà nghỉ, nhà hàng kiên cố, nhiều hộ đã chuyển nhượng và tự chia tách điểm kinh doanh… kéo dài hàng chục năm qua mà không được xử lý dứt điểm.
Theo khảo sát sơ bộ, chỉ tính diện tích đất do Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn quản lý đã có tám hộ thuê làm điểm kinh doanh dịch vụ và để hoang; khu đất 9.380 m2 do phường Hải Sơn quản lý đã có 33 công trình vi phạm và có 24 hộ đang sử dụng làm nhà ở, cho thuê trọ; 60 điểm kinh doanh tại Khu 2 Đồ Sơn do các cơ quan của Đồ Sơn trước đây ký hợp đồng cho thuê có thời hạn, hiện đều đã hết hạn hợp đồng thuê từ lâu, nhưng vẫn tồn tại; tại khu Cây Dừa có 14 hộ thuê hơn 2.400 m2 mặt bằng tạm thời theo từng năm một để kinh doanh dịch vụ, nhưng các hộ đã lấn chiếm thêm hơn 1.700 m2; khu 203 có 27 hộ thuê mặt bằng tạm thời từng năm một và bảy hộ sử dụng đất nhưng không có hợp đồng thuê… Tại các diện tích trên, các hộ thuê đều xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ kiên cố ba đến bốn tầng, nhiều hộ đã chuyển nhượng và tự chia tách điểm kinh doanh…
Với quyết tâm đưa du lịch phát triển mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng lợi thế vốn có và trở thành một trong ba trụ cột kinh tế, thành phố Hải Phòng đã quyết liệt chỉ đạo chính quyền hai địa bàn trọng điểm là Đồ Sơn và Cát Hải cùng các ngành chức năng thực hiện rà soát toàn bộ công tác quản lý đất đai, xây dựng, cơ sở hạ tầng và hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn để có những phương án tháo gỡ, xử lý dứt điểm tồn đọng, tạo cơ sở và cơ hội cho các dự án du lịch đầu tư và phát triển mạnh mẽ theo quy hoạch.
Cuối năm 2023, lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các ngành chức năng đã trực tiếp đi kiểm tra, thị sát thực trạng quản lý đất đai trong hoạt động du lịch, đối thoại với đại diện các hộ sử dụng đất đai, kinh doanh du lịch tại các địa điểm có vi phạm đất đai trên địa bàn Cát Bà và Đồ Sơn. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ rõ các sai phạm, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai kéo dài tại các địa điểm trên; đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các vi phạm về đất đai, an ninh trật tự, giải tỏa các điểm nhếch nhác, không phù hợp để chỉnh trang hạ tầng, phát triển du lịch…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng khẳng định, đối với các diện tích mặt bằng đang có vi phạm, nhưng phù hợp quy hoạch phát triển du lịch, thành phố sẽ kiên quyết thực hiện giải phóng mặt bằng, cùng với diện tích mặt bằng của một số bộ, ngành chuyển giao về thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ được lập hồ sơ để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo “sức hút” cho đầu tư phát triển du lịch theo quy định. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn kiểm tra, rà soát, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền đã buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng, sử dụng tài sản công và tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai kéo dài tại các địa phương này… để có hình thức xử lý theo quy định.
Về kiến nghị xem xét hỗ trợ công trình, vật kiến trúc của người dân đã đầu tư xây dựng tại các địa điểm có vi phạm về đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng, các hộ dân sử dụng đất và tài sản trên đất đã hết thời hạn hợp đồng nhưng không trả lại đất; một số hộ đã lấn, chiếm đất công để sử dụng, xây dựng công trình không đúng quy định; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước là đang vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và các trường hợp trên phải bị xử lý vi phạm hành chính, không được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.