Hài hòa lợi ích trong chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước

Gần đây, để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính phủ điện tử, nhiều văn bản pháp luật đặt ra yêu cầu doanh nghiệp kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ công tác xây dựng và điều hành chính sách. Tuy nhiên, nếu dữ liệu của doanh nghiệp không được khai thác chặt chẽ và bảo mật đúng cách có thể gây ra rất nhiều hệ lụy.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm điều hành thông minh và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Trung tâm điều hành thông minh và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Long An. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Tại hội thảo "Chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước: Vấn đề và kiến nghị" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, các đại biểu nhìn nhận việc chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công tác quản lý hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước còn có thêm nguồn dữ liệu từ doanh nghiệp để ban hành các quyết định chính sách và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp

Trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới, nhu cầu chia sẻ dữ liệu từ khu vực tư để phục vụ cho lợi ích công ngày càng lớn. Bởi dữ liệu của doanh nghiệp có sẵn và đa dạng, được cập nhật liên tục, là tài nguyên có thể giúp hoàn thiện chính sách công, thậm chí giúp chính quyền phản ứng nhanh với những tình thế cấp thiết bằng chi phí tiết kiệm nhất.

Thí dụ, từ dữ liệu của doanh nghiệp về "bản đồ" giao thông theo tuyến đường với các thông tin cụ thể, chi tiết từ lưu lượng xe, vận tốc di chuyển... tương ứng với các khung thời gian trong ngày, cơ quan quản lý có cơ sở tin cậy để đưa ra các giải pháp điều tiết giao thông khoa học, hiệu quả cho tuyến đường hoặc khu vực đó. Hoặc để xây dựng chính sách về phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần tham khảo từ dữ liệu liên quan của hệ thống ngân hàng thương mại…

Lợi ích từ việc chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn, nhưng tại Việt Nam, quy định pháp luật về vấn đề này chưa đầy đủ, chặt chẽ vì đây là nội dung còn khá mới. Trong thực tế, việc chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý có thể thực hiện theo hai hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.

Lợi ích từ việc chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn, nhưng tại Việt Nam, quy định pháp luật về vấn đề này chưa đầy đủ, chặt chẽ vì đây là nội dung còn khá mới.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng cho rằng doanh nghiệp có nghĩa vụ mặc nhiên phải chia sẻ dữ liệu đang trở nên phổ biến trong khoảng 5 năm gần đây. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông dẫn chứng: Nghị định 91/2022/NSS-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế quy định chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân về mã số thuế, điện thoại, địa chỉ, doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn…

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng chỉ ra điểm bất cập: Mặc dù không có cơ sở pháp lý và quy định cụ thể nhưng việc cơ quan đăng ký yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện xây dựng cổng kết nối giao diện lập trình ứng dụng (API) sẽ làm phát sinh chi phí tuân thủ rất lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các trường dữ liệu được cơ quan đăng ký yêu cầu cung cấp (số lượt truy cập, số lượng người bán, số lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch) là các thông tin thuộc nhóm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, không thuộc phạm vi thông tin báo cáo theo quy định hiện hành.

Hiện nay, quy định của pháp luật về chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý phải được xây dựng trên nguyên tắc dữ liệu là tài sản lớn của doanh nghiệp, là bí mật kinh doanh và là lợi thế của doanh nghiệp, được pháp luật bảo vệ theo các quy tắc khác nhau, như: Quyền riêng tư, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các công ty công nghệ, các mô hình kinh doanh mới. Từ đó, các chính sách được ban hành cần hướng đến bảo đảm cân bằng giữa vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu.

Tìm điểm cân bằng lợi ích

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, thách thức đối với doanh nghiệp trong quá trình chia sẻ dữ liệu là quyền riêng tư của khách hàng có thể bị rò rỉ, nguy cơ lộ bí mật kinh doanh, bí quyết kỹ thuật, công nghệ, bị mất kiểm soát dữ liệu, thậm chí có thể bị phá hoại.

Do đó, việc yêu cầu về chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước cần có quy trình pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện. Cần có quy định về giới hạn sử dụng dữ liệu của doanh nghiệp trong những mục đích đã được thống nhất giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với việc bảo mật dữ liệu, chi phí khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp trong trường hợp dữ liệu bị rò rỉ.

Cần tìm được sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong vấn đề chia sẻ dữ liệu.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Cùng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Giám đốc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) cho rằng, Việt Nam nên tham khảo những nguyên tắc trong việc quản lý dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các nội dung chính của nguyên tắc này bao gồm việc xây dựng cơ sở pháp lý để Chính phủ, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu; việc chia sẻ dữ liệu phải có mục đích chính đáng, rõ ràng, có bước phê chuẩn cần thiết về quy trình xử lý dữ liệu, có sự giám sát và cơ chế để doanh nghiệp khiếu nại trong trường hợp dữ liệu được khai thác không đúng cách.

Nhìn từ góc độ môi trường kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần tìm được sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong vấn đề chia sẻ dữ liệu. Yêu cầu đặt ra là nội dung này phải được luật hóa một cách rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi để không tạo ra sự tùy tiện, bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc chia sẻ dữ liệu được thực hiện trong môi trường số nhưng nếu không thực hiện tốt các yêu cầu về bảo mật dữ liệu, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp sẽ xảy ra hậu quả khôn lường, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh trong nước. Ngược lại, nếu quy định quá chặt chẽ về bảo mật dữ liệu vô hình trung tạo ra các rào cản cho các cơ quan quản lý nhà nước và quá trình xây dựng chính phủ điện tử.