Tài nguyên di sản: Hạt nhân của công nghiệp văn hóa
Anh Phương cho biết, lý do đầu tiên chính là tình yêu với lịch sử Việt Nam, với những di sản, văn học, kiến trúc nghệ thuật… - những giá trị minh chứng cho bề dày lịch sử dân tộc Việt Nam.
Phát triển công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng, nhiệm vụ cấp bách trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt ngày 12/11/2021. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam, có những quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa là tạo ra một biểu tượng, vẻ đẹp bề ngoài và lấy tiền làm thước đo. Thực chất, giá trị của văn hóa Việt Nam là những giá trị vật thể và phi vật thể do người Việt Nam làm được trong suốt chiều dài lịch sử. “Công nghiệp văn hóa phải có sự đặc sắc, nổi bật riêng và chất liệu làm nên cái riêng đó lấy từ dữ liệu của di sản”, KTS Đinh Việt Phương chia sẻ.
Anh Phương cho rằng, các nhà nghiên cứu về các lĩnh vực liên quan đến di sản đều phải cùng nhau tạo ra “chất liệu” tốt. Trong đó phải áp dụng xu hướng hiện đại nhất hiện nay chính là số hóa di sản để phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Khi thành lập Đội tình nguyện bảo vệ phố cổ Hà Nội, anh Phương đã có cơ hội trò chuyện, trao đổi với nhiều người. Nhưng người mà KTS Việt Phương nhớ nhất là họa sĩ Đặng Thị Khuê. Bà đã chia sẻ, dân tộc Việt Nam có nhãn quan về nghệ thuật tuyệt vời, đặc biệt là thời Lý - Trần. Các hệ thống hoa văn thời điểm này đều mang một tỷ lệ đồng nhất, khi xâu chuỗi lại thì đây chính là “tỷ lệ vàng”. Điều này được thể hiện rõ nét qua các di tích lịch sử như phố cổ Hà Nội, kiến trúc đình chùa xưa… luôn tạo ra một cảm giác gần gũi đặc biệt. Khi đó, họa sĩ Đặng Thị Khuê gọi đây là “mã gien” về mặt nghệ thuật của người Việt.
Anh Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cũng là “con dao hai lưỡi” trong việc số hóa di sản. Công cụ này có thể đưa di sản tiếp cận gần hơn với cuộc sống nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng làm sai, mất đi giá trị và đặc trưng của di sản nếu không có sự quản lý thật sự chặt chẽ về dữ liệu. Vì vậy, vấn đề về quản lý nguồn dữ liệu phải được đặt ra, chỉ khi có dữ liệu đầy đủ thì mới không thể làm sai lệch được”.
20 năm qua, anh Phương cùng các đồng nghiệp đã làm “sống lại” nhiều di tích hay cổ vật từng biến mất. Chia sẻ với chúng tôi, anh trăn trở: “Chúng ta phải trang bị một hệ thống dữ liệu (data) về di sản của Việt Nam để chia sẻ với thế giới”. Anh cũng kỳ vọng Việt Nam tự tạo được ra một phiên bản AI của riêng mình, “có tư duy theo di sản của Việt Nam chứ không pha trộn của bất kỳ quốc gia nào khác”.
Công nghệ thay đổi nhưng dữ liệu là bất biến
Theo KTS Đinh Việt Phương, nếu số hóa dữ liệu trở thành dữ liệu gốc, toàn diện cho tất cả các lĩnh vực cần khai thác thì sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí. Theo đó, với mỗi loại hình di sản sẽ có cách số hóa, hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn khác nhau và việc đặt tên cũng phải thống nhất. Bởi big data là những data được gắn mã, đặt tên rất khoa học, gọn gàng để kết nối với nhau cũng như dễ dàng hệ thống hóa được toàn bộ dữ liệu theo cách thông minh nhất. Theo Luật An ninh mạng 2018, hiện chỉ mới quy định hệ thống cơ sở dữ liệu và khai thác phải đặt máy chủ tại Việt Nam, còn việc khai thác big data, khai thác dữ liệu người dùng từ di sản thì chưa được quan tâm, chú ý.
Có thể thấy, trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã có chiến lược xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư, đất đai,… tuy nhiên vẫn chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về di sản. Chính vì vậy, KTS Đinh Việt Phương và các cộng sự của mình đang ngày đêm hoàn thiện các bước về hệ thống, thu thập dữ liệu để sẵn sàng cho một bản AI - số hóa di sản Việt Nam. “Chúng tôi bảo đảm tính tương thích với những công cụ trên thế giới, tuy vậy vẫn còn phải chờ có một kế hoạch nghiêm túc để phát triển về lĩnh vực này”, anh cho biết.
Công nghệ luôn thay đổi liên tục nhưng dữ liệu là bất biến, vì vậy những người thầm lặng hằng ngày, hằng giờ thu thập, xử lý dữ liệu như KTS Đinh Việt Phương rất mong muốn mọi người cũng như sự quan tâm của Nhà nước hiểu được chính xác hơn những giá trị mà dữ liệu đem lại.
Chia sẻ về những chặng đường hiện thực hóa giấc mơ AI số hóa di sản, KTS Đinh Việt Phương cho biết, còn gặp khá nhiều khó khăn.
Thứ nhất, sự manh mún và không có quy hoạch thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tình trạng “mạnh ai người đó làm” phổ biến dẫn đến sự chồng chéo lẫn nhau. Trong khi đó, bản chất của AI là Deep Learning - đó phải là một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ và hệ thống đó phải rất thông minh để AI có thể truy cập vào các trường cơ sở dữ liệu. Nếu hệ thống cơ sở dữ liệu không đồng bộ từ đầu thì khi AI tổng hợp sẽ làm sai lệch thông tin, nên rất cần một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung.
Thứ hai, là câu chuyện khoa học liên ngành. Di sản không phải là câu chuyện riêng của người làm văn hóa, lịch sử, nghệ thuật hay công nghệ mà là câu chuyện chung. Và phải có một hội đồng đủ mạnh, đủ uy tín thậm chí là cần sự vào cuộc của chuyên gia nước ngoài nhưng phải nắm được dữ liệu gốc. Như vậy, tất cả các ngành phải kết hợp với nhau thì mới làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh.
Thứ ba, một áp lực nữa theo KTS Đinh Việt Phương là vấn đề nhân sự chất lượng cao. Việc nhân sự không được đào tạo bài bản cũng là một điểm khó khắc phục. Hiện nay phần lớn những người làm trong lĩnh vực này có chuyên môn về Công nghệ thông tin thì chưa có chuyên môn về di sản và ngược lại.
Một điều đáng buồn là trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, chúng ta đang phải chấp nhận là phần lớn các bạn trẻ đều không có khái niệm về câu chuyện di sản.
Nhưng có một “nguồn lực” trong xã hội hiện nay chúng ta cần nói tới, đó là vấn đề đồng thuận trong xã hội. Mặc dù hiện nay một bộ phận người dân chưa có tư duy về di sản nhưng luôn ủng hộ hết mình vì tinh thần dân tộc. “Tôi tin rằng, khi đủ năng lực chúng ta sẽ biến được tinh thần, năng lượng đó thành vật chất” KTS Đinh Việt Phương hào hứng.
Nói về giá trị của di sản, anh Phương chia sẻ: “Giá trị của di sản giống như sợi chỉ đỏ nuôi dưỡng tinh thần và gắn kết giá trị dân tộc của người Việt Nam. Đây là minh chứng lịch sử cho sự phát triển của nền văn minh dân tộc, đã trải qua hàng nghìn khó khăn để trường tồn cho đến ngày nay. Tôi tin rằng, với quê hương đất nước, với di sản của dân tộc… thế hệ trẻ sẽ yêu theo cách riêng của họ. Và tình yêu đó được thể hiện tích cực hay tiêu cực cũng một phần ảnh hưởng từ thế hệ đi trước”.
KTS Đinh Việt Phương cùng các đồng nghiệp đã đưa “trở lại” nhiều di tích, cổ vật mai một, mất mát. Công nghệ 3D đã giúp phục dựng cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), Hiển Lâm Các (Đại nội Huế)... Cùng với đó, là triển lãm tranh 3D phục dựng phố cổ Hà Nội vào năm 2007. Năm 2010, KTS Đinh Việt Phương cũng là người thiết kế toàn bộ những hình ảnh trình chiếu về di sản, lịch sử trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Anh cũng đóng góp vào việc ứng dụng số hóa các hiện vật của bảo tàng Quảng Ninh; sản phẩm trình chiếu cho bảo tàng Hà Giang; các phần mềm quản lý hiện vật cũng như đưa ra những giải pháp về VR, AR… Gần đây nhất, KTS Đinh Việt Phương cho biết, anh đang thực hiện những dự án số hóa về bảo vật quốc gia liên quan đến Phật giáo. Song song với đó, anh vẫn đề ra các quy trình để số hóa di sản để tư vấn cho các địa phương.