Theo đồng chí Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, những năm qua, Hải Dương đặc biệt quan tâm tới việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả quan trọng. Trong tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư mạnh mẽ; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất.
Tỉnh đã xây dựng được một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Dù diện tích gieo cấy lúa đã giảm xuống còn 110 nghìn ha/năm, nhưng nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, kỹ thuật mới và tăng diện tích lúa đặc sản nên năng suất, chất lượng, giá trị lúa gạo của Hải Dương đều được nâng cao. Sản lượng thóc hằng năm đạt gần 700 nghìn tấn, bảo đảm nhu cầu lương thực của địa phương và một phần xuất đi các tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 421,7ha vùng sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích khai thác sản phẩm rươi, cáy tự nhiên.
Tỉnh cũng chủ trương giảm đất trồng cấy lúa, tập trung tăng diện tích rau, màu các loại. Với 41.000ha đất trồng rau, màu, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị sản xuất đạt trung bình khoảng 250 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng chuyên canh rau, màu, cây thực phẩm đã khẳng định được thương hiệu như vùng sản xuất cà rốt ở các xã Đức Chính, Cẩm Văn; vùng trồng rau sạch-rau hữu cơ ở xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Giàng), củ đậu Kim Thành.
Thị xã Kinh Môn đã hình thành nên vùng chuyên canh hành tỏi, sản xuất hàng hóa tập trung lớn nhất cả nước với tổng diện tích 3.600ha. Huyện Gia Lộc có 64 vùng chuyên canh với diện tích 800ha cây rau, màu, 22 vùng sản xuất cây vụ đông đạt giá trị sản xuất từ 490-750 triệu đồng/ha…
Hải Dương cũng đã hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 21.000ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Hà, kế đó là thành phố Chí Linh, huyện Tứ Kỳ…
Các vùng cây ăn quả đặc sản tập trung cho thu nhập từ 200-350 triệu đồng/ha/năm và có thị trường tiêu thụ ổn định. Huyện Tứ Kỳ hiện có 16 vùng sản xuất chuối tập trung, diện tích 490ha, sản lượng 13.600 tấn/năm tạo ra tiềm năng lớn cho xuất khẩu và tạo thương hiệu sản phẩm. Vùng trồng na dai tại Hoàng Tiến, Bến Tắm, thành phố Chí Linh, diện tích tập trung khoảng 1.000ha cho hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: Huyện xác định phát triển trồng cây ăn quả là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là quan tâm các loại cây vải, ổi, bưởi, chuối, quất, chanh…
Diện tích cây ăn quả trong huyện đã phát triển lên 6.730ha. Những năm qua, Thanh Hà đã mở rộng một số vùng cây ăn quả đặc sản như: Vùng trồng vải sớm tại bốn xã khu Hà Đông nâng diện tích trồng vải trong huyện lên 3.265ha, vùng trồng ổi tại các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh; vùng trồng bưởi đào xã Thanh Hồng.
Đặc biệt, huyện đã tập huấn, hướng dẫn người trồng cây ăn quả chuyển từ sản xuất truyền thống sang tiếp cận chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Các hộ trồng vải quả tiêu chuẩn GlobalGAP tiếp cận công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ. Huyện đã được cấp 78 mã số vùng trồng vải xuất khẩu; cấp mã số cho 59 cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng được tỉnh Hải Dương đặc biệt chú trọng. Tỉnh đã xây dựng được hơn 30ha nhà màng, nhà lưới có giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm; 540ha rau, màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30%; có 1.500ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP.
Trong chăn nuôi, tỉnh chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô lớn, chú trọng sản xuất sạch, an toàn. Hiện tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa xa khu dân cư với quy mô từ 3ha trở lên. Sản lượng thịt hơi các loại 115.000 tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 520 triệu quả. Có 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tỉnh cũng đã xây dựng được hơn 40 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hàng hóa để mở rộng xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm.