1.“Nghe Hạ Vân hát, đôi khi ta thoáng gặp “màu thời gian tím ngát” trên những cung nhạc cuộn chảy từ bảy mươi năm trước cho tới tận hôm nay. Khi đã đắm chìm rất sâu vào những giai âm mà giọng hát Hạ Vân vẫn hồn nhiên chia sẻ, ta chợt nhận ra màu ấy, hoa ấy đã tím ngát từ xưa”… Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, hiện cũng là ông chủ của một công ty âm nhạc đã nhận xét về giọng hát này như vậy. “Hoa tím ngày xưa”, ca khúc của Hữu Xuân (thơ Cao Vũ Huy Miên), là tiêu đề, cũng chính là “màu thời gian” xuyên suốt của 14 ca khúc trong CD. “Xuyên suốt” từ thời của Dương Diệu Tước, Đoàn Chuẩn, Văn Cao, rồi Trịnh Công Sơn, qua Phú Quang… và cho tới tận bây giờ, với những sáng tác mới nhất của Lê Quân, Việt Anh. Mở đầu với “Bóng chiều xưa” của Dương Diệu Tước, Hạ Vân tiếp nối sản phẩm trình làng đầu tay của mình với những ca khúc ít được các ca sĩ khác “ngó” tới. Thật lạ là trong đó có “Thu cô liêu” của Văn Cao, “Cánh hoa duyên kiếp” của Đoàn Chuẩn và “Phúc âm buồn” của Trịnh Công Sơn. Đó là những bài khó hát, không phải chỉ khó ở “nốt” mà chính là cái tinh thần thể hiện. Cái chất trữ tình lãng mạn từ thời tiền chiến, với những giai điệu tưởng đã quen thuộc, vẫn được tiếp nối trong mạch ngầm tuôn chảy, luôn luôn chờ đợi những khám phá mới mẻ là vậy. Mặc dù những ca khúc ít người chọn hát trước đó, nhưng như Hạ Vân nói, vẫn “quá lớn” và “quá khó” so với một người mới “côi cút” bước vào nghề như cô.

Đến phần sau, với những “Khúc mùa thu” (Phú Quang - thơ Hồng Thanh Quang), hay Chiều không em (Phú Quang - thơ Nguyễn Thụy Kha), thì người nghe dường như vốn quá mặc định với những giọng hát thành danh đã thoáng chút lo ngại. Đặc biệt, với “Khúc mùa thu”, người nghe Hạ Vân lần đầu, sẽ thấy dường như cô làm sao đủ day dứt, đủ đau đớn để mà hát được như cố NSND Lê Dung… Nhưng nếu nghe Vân hát đến vài lần, không quá nội tâm, mà nhẹ nhàng bay bổng, bỗng nhiên chợt thấy, ừ thì rồi qua đớn đau day dứt, sẽ là nhẹ nhàng bay bổng như thế. Nỗi đau nào rồi cũng qua. Và thế là “Khúc mùa thu”, qua chính cái sự tiếp nhận của Hạ Vân, đã mang một màu sắc mới, tâm thế mới.
Tuy nhiên, “tủ” của Hạ Vân vẫn là những ca khúc của ‘thời đại mình” như “Biển đêm” (Lê Vinh), “Tìm tên anh trên bờ cát”(Duy Thái), hoặc chính là ca khúc mới “Cánh cò quê” của Lê Quân. Hạ Vân một mực cho rằng, những bài hát của các nhạc sĩ trẻ mà cô chọn hát sau này, cũng mang hơi hướng “các cụ tiền chiến”. “Không còn mùa thu” của Việt Anh là điểm kết nối cuối cùng cho bảy thập kỷ tân nhạc (1938-2008). Phần phối khí của nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang cũng đã rất chú trọng cái tinh thần “trữ tình lãng mạn” mà tạo nên một CD đậm màu sắc cổ điển.

2. Hạ Vân, sinh năm 1979, mặc dù đi hát từ nhỏ, mấy năm nay đã dường như chạy khắp nơi để hát, hát mỗi thứ một tí, và cô hiện đã là ca sĩ chính thức của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, nhưng vẻ hồn nhiên của một cô thôn nữ miền trung du vẫn còn đậm nét.
Hồn nhiên và chân thật, đó lại chính là “tố chất” mà nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thấy ở cô, để từ đó mà quyết định chọn cô cho những giai điệu trữ tình lãng mạn từ bảy mươi năm trước.
“Bây giờ ca sĩ nhiều người chưa ra khỏi nhà đã chỉ muốn hướng ra chợ, nên cái sự hồn nhiên và chân thật nơi Hạ Vân mới là điều đáng quý. Vân hát chân thật, không ma mị, không cố làm màu mè. Cái sự hồn nhiên trong trẻo, với một giọng hát chuẩn và có bề dày nội lực, và điều đáng quý là sự làm nghệ thuật đầy tinh thần nhẫn nại và hy sinh của cô thật đáng trân trọng”.
Ít ai biết, Hạ Vân vẫn vừa có thể đứng trong dàn hợp xướng “Khai Giác” do nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo sáng tác và chỉ huy, vừa luôn có mặt trong tốp hát của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam trong những vở lớn, vừa sẵn sàng tham gia các chương trình ca múa nhạc kỷ niệm những sự kiện lịch sử, những ngày lễ lớn của dân tộc.

Hạ Vân là sinh viên Trung cấp khoa Thanh nhạc Học viện quốc gia Việt Nam từ năm 2000, và hiên nay cô đang học năm cuối Đại học của khoa Thanh nhạc - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hai vợ chồng cô bảy tháng nay “côi cút” làm ăn bằng cách lặng lẽ chọn bài và thu âm, âm thầm chuẩn bị cho ra đời “đứa con tinh thần” đầu tay của mình như vậy, lặng lẽ không tài trợ không quảng cáo. Chỉ riêng điều đó, đã thật khác với phần đông cách làm nghệ thuật, cách ra album của ca sĩ trẻ bây giờ.
Vậy nên, sự xuất hiện của Hạ Vân và “Hoa tím ngày xưa”, như một khoảng lặng trữ tình cần thiết cho đời sống nhạc nhẹ…
MINH NHẬT