Việc sắp xếp đơn vị hành chính gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao nhất.
Thực hiện bài bản
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nguyễn Như Dũng, sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, quá trình thực hiện đã thể hiện rõ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu các cấp và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy các tổ chức trong hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh để vừa bảo đảm quyền lợi của cán bộ, vừa đáp ứng chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Nghệ An, Hà Tĩnh nỗ lực tinh gọn bộ máy (Tiếp theo và hết) (*)
Số liệu từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, giai đoạn 2019-2021, Hà Tĩnh sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới), dôi dư 798 cán bộ, công chức cấp xã, 511 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Cũng trong giai đoạn này, để bố trí sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND, ngày 20/8/2019 về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn 2019-2021.
Theo đó, đã giải quyết được 1.907 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 99 tỷ đồng, trong đó có hơn 500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và lộ trình cụ thể, đến tháng 10/2024, số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Tĩnh còn 49 người; không còn dôi dư người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính lấy ý kiến của người dân về lộ trình, kế hoạch thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã. |
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các bước theo quy trình quy định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Các địa phương đã tiến hành lấy ý kiến gần 204.000 cử tri về điều chỉnh, mở rộng địa giới đơn vị hành chính thành phố Hà Tĩnh và sắp xếp, thành lập mới các phường thuộc thành phố Hà Tĩnh; sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp xã thành đơn vị hành chính đô thị cùng cấp hoặc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị cấp xã. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, việc lấy ý kiến cử tri được các địa phương thực hiện dân chủ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch.
Đặt quyết tâm cao
Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025, huyện Thạch Hà điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 11 xã để nhập vào thành phố Hà Tĩnh.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc rà soát, báo cáo thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền sắp xếp tổ chức, bộ máy và phương án giải quyết đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp, địa phương cũng đã thành lập tổ rà soát, triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc tại các địa phương thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính; đồng thời rà soát cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính sớm đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm mọi hoạt động được diễn ra liên tục, thông suốt. Công tác bàn giao hồ sơ, tài liệu, cơ sở vật chất của đơn vị hành chính cũ cũng sẽ được thực hiện bảo đảm, không để gián đoạn các nhiệm vụ chính trị.
Đồng chí Võ Hồng Hải, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết, rút kinh nghiệm từ việc giải quyết cán bộ dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính từ giai đoạn trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất quan điểm việc sắp xếp, bố trí, xử lý cán bộ dôi dư là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát trước một bước thực trạng đội ngũ cán bộ toàn tỉnh (sở, ngành, địa phương nào còn thiếu cán bộ), nắm bắt nguyện vọng bố trí công tác của cán bộ bị tác động do sắp xếp đơn vị hành chính. Trên cơ sở đó xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ một bước với tinh thần bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng cán bộ nhưng cũng phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu thực tiễn công tác cán bộ của các cơ quan, đơn vị.
Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, để thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 169-KL/TU, ngày 22/11/2024 về thẩm quyền, cơ cấu, số lượng, quy trình nhân sự và sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, đồng thời chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nghị quyết chính sách riêng của tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành để kịp thời thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, thống nhất chủ trương, trước thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 thực hiện một bước sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư phù hợp theo lộ trình tinh giản 5 năm; phấn đấu hoàn thành việc giải quyết dôi dư vào đầu năm 2029. Hiện nay, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án để bố trí, sắp xếp cán bộ thuộc huyện Lộc Hà, Thạch Hà trước thời điểm sáp nhập, theo hướng điều động, bố trí cán bộ đến công tác tại các cơ quan cấp tỉnh, thành phố Hà Tĩnh và các địa phương lân cận để góp phần tinh giản bộ máy của huyện Thạch Hà sau sáp nhập.
Đối với phương án giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đưa ra những nguyên tắc chung để thực hiện khách quan, bài bản.
Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính được các địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh thực hiện công khai, minh bạch đến mỗi hộ dân, cụm dân cư trên địa bàn. |
Cụ thể, đối với cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sáp nhập có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện theo các phương án: Điều chuyển sang chức danh, vị trí công tác khác; điều động từ huyện sắp xếp sang địa phương lân cận và các địa phương khác phù hợp; điều động, tiếp nhận về các cơ quan cấp tỉnh. Đối với cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện theo các phương án: Điều chuyển sang chức danh khác; điều chuyển, bố trí từ các xã sắp xếp sang xã còn thiếu trong cùng một huyện; tiếp nhận làm công chức cấp tỉnh, cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; thực hiện chuyển sang chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, nếu không thể sắp xếp, bố trí công việc mới mà có nguyện vọng nghỉ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định, thì tạo điều kiện theo nguyện vọng, thực hiện tinh giản biên chế... hưởng chính sách theo quy định. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư: Vận động nghỉ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Về chính sách, trên cơ sở Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ (đã bổ sung đối tượng đến cấp xã, cấp thôn), tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn với tổng mức hỗ trợ cao hơn giai đoạn 2019-2021; nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ thêm từ 60%-70% kinh phí được hưởng theo chính sách tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra tỉnh đang xây dựng chính sách cho đối tượng nghỉ hưu trước tuổi theo nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngoài chế độ theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ.