Nghệ An, Hà Tĩnh nỗ lực tinh gọn bộ máy (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Sớm tháo gỡ khó khăn trong sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Nghệ An, Hà Tĩnh là hai trong những địa phương đi đầu thực hiện chủ trương sáp nhập, nhất là Hà Tĩnh có số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập lớn. Trong khi việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang cận kề đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thử thách trong nỗ lực tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tự nguyện viết đơn xin nghỉ trước tuổi nhưng đồng chí Lê Hữu Thống, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (ngoài cùng bên trái) vẫn gắn bó với công việc chung.
Tự nguyện viết đơn xin nghỉ trước tuổi nhưng đồng chí Lê Hữu Thống, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (ngoài cùng bên trái) vẫn gắn bó với công việc chung.

Bài toán dôi dư

Theo phương án đề ra, trong giai đoạn 2019 - 2021, số ĐVHC cấp xã Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp lớn: 80 trong số 262 đơn vị, chiếm 30,5%, giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới. Một số huyện giảm nhiều như: Đức Thọ giảm 12 xã; Thạch Hà chín xã; Hương Sơn bảy xã; Can Lộc năm xã; Cẩm Xuyên bốn xã... Số lượng cán bộ, công chức (CBCC), người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 1.309 người; trong đó, 798 CBCC. Tương tự, Nghệ An sắp xếp 39 trong số 480 ĐVHC cấp xã, giảm 20 xã; trong đó, hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn giảm nhiều nhất và đều giảm năm xã/huyện; các huyện: Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Thanh Chương mỗi huyện đều giảm hai xã... Tuy “nhẹ gánh” hơn Hà Tĩnh, nhưng dự kiến số dôi dư ở Nghệ An là 690 người, trong đó 384 CBCC. Trong số CBCC dôi dư này, số nghỉ (hưu, theo Nghị định (NĐ) 108/CP, NĐ 26/CP của Chính phủ thôi việc ngay) và chuyển công tác khác khoảng 155 người. Như vậy, còn 229 người thuộc diện tiếp tục công tác cần có phương án bố trí.

Qua tìm hiểu thực tế và ý kiến phản ánh của các địa phương, vấn đề xử lý công việc, giải quyết chế độ chính sách liên quan đến số cán bộ dôi dư này sao cho hợp lý, hợp tình không hề đơn giản, nhất là đối với số cán bộ có tuổi đời 40 đến 45 và chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội. Càng áp lực hơn, khi các địa phương đang phải thực hiện theo NĐ số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ (bình quân mỗi ĐVHC cấp xã giảm hai công chức) và bố trí công an chính quy về công tác tại xã.

Đồng chí Trần Nhật Tân, Bí thư huyện ủy Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, theo đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, huyện sẽ thực hiện sắp xếp 15 xã thành sáu xã mới; trong tổng số 406 CBCC và người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) tại các xã sáp nhập, số cán bộ dôi dư 154 người. Thực hiện hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thời gian qua, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: vận động nghỉ hưu trước tuổi, vận động nghỉ hưởng chính sách tinh giản biên chế; chỉ đạo các xã thuộc diện sáp nhập không đề nghị bổ sung nhân sự, hoặc bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh. Tuy nhiên, qua rà soát, đến cuối năm 2020, toàn huyện sẽ có 76 CBCC dôi dư chưa có phương án bố trí, sắp xếp.

Cũng theo đồng chí Trần Nhật Tân, mặc dù công tác đánh giá năng lực cán bộ đã được địa phương thực hiện đa chiều, chặt chẽ và khách quan, nhưng với số lượng ĐVHC cấp xã phải sáp nhập lớn, kéo theo đó, việc cơ cấu đội ngũ CBCC tại các đơn vị hành chính mới sẽ gặp khó khăn, bởi bố trí, sắp xếp không chỉ là bài toán cơ học, mà phải bảo đảm yếu tố cân bằng, có sự đan xen giữa các xã.

Đồng chí Nguyễn Văn Hướng, Bí thư Đảng ủy xã Phù Việt (Thạch Hà) cho biết: Khi ba xã nhập làm một, hai trong ba các vị trí như: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã khi giữ chức vụ cấp phó sẽ trở thành cán bộ HĐKCT. Như vậy, đội ngũ cán bộ HĐKCT này sẽ đi đâu, về đâu khi hết nhiệm kỳ công tác? Nói là người HĐKCT nhưng các đồng chí này đã được đào tạo đạt chuẩn và đều nằm trong diện cán bộ quy hoạch chủ chốt của địa phương cho những nhiệm kỳ tới. Cả quá trình làm việc, họ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tín nhiệm cao, bây giờ vận động họ nghỉ việc, chúng tôi cảm thấy rất áy náy!

Cùng chung những trăn trở, Đại tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, theo Pháp lệnh Công an xã quy định rất rõ chính sách hỗ trợ nghỉ việc đối với các đồng chí trưởng, phó trưởng công an xã. Tuy nhiên, chính sách đó chưa đề cập đến việc giải quyết chế độ cho đội ngũ trưởng, phó trưởng công an xã phải nghỉ việc do sắp xếp bộ máy. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập được tỉnh Hà Tĩnh đưa ra cũng chỉ đề cập đến những cán bộ ở xã sáp nhập, còn những xã không thực hiện sáp nhập thì không đề cập đến, cho nên việc thực hiện chính sách đối với trưởng, phó trưởng công an xã phải chuyển công tác tại các địa phương không thực hiện sáp nhập chưa có phương án cụ thể.

Đề cập vấn đề nêu trên, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Chính sách đối với các đồng chí phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự các xã sáp nhập vẫn chưa cụ thể. Đặc biệt, việc sáp nhập đã và đang ảnh hưởng đến các học viên đang theo học khóa đào tạo cho các chức danh chỉ huy trưởng, chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự tại các địa phương. Cũng như Hà Tĩnh, đây cũng là lời giải khó đối với số cán bộ dôi dư sau sáp nhập của tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó là việc dôi dư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của một số xã sau sáp nhập như: trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học... cùng những khoản nợ của một số xã vùng khó trong đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, người dân và các tổ chức cũng băn khoăn về các giấy tờ liên quan khi thay đổi tên ĐVHC sau sáp nhập.

Sớm tháo gỡ khó khăn

Khó khăn nhất sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã là việc giải quyết số CBCC dôi dư. Để giải quyết vấn đề này, ngày 24-12-2018, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết (NQ) số 37-NQ/TW có quy định: “Chậm nhất sau 5 năm, kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định”. Ngày 12-3-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra NQ số 653/2019/UBTVQH14, quy định: “Chậm nhất là 5 năm, kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định”.

Căn cứ quy định nêu trên, đến nhiệm kỳ 2020 - 2025, số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra của tổ chức đảng mới ở những nơi chưa hoàn thành bố trí, sắp xếp cán bộ thì có thể bố trí tăng thêm tương ứng với số cấp phó (tăng thêm do bố trí cấp trưởng xuống làm cấp phó) có cơ cấu cứng là cấp ủy (như phó bí thư, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND...); đồng thời, phải chủ động bố trí, sắp xếp giảm số lượng để bảo đảm theo quy định của NQ 653.

Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn Nguyễn Như Khôi tính toán: Là địa phương giảm đến năm xã, sau sáp nhập và thực hiện theo NĐ 34-CP, Nam Đàn dôi dư khoảng 95 CBCC, nhưng từ năm 2020 đến năm 2024, số lượng người nghỉ hưu, nghỉ chế độ cộng với 31 biên chế để “dành” trong thời gian qua, huyện sẽ cơ bản giải quyết xong số dôi dư này. Tương tự, trong vòng 5 năm, huyện Hưng Nguyên cũng cơ bản giải quyết được số CBCC dôi dư.

Tuy nhiên, mới đây, theo Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18-10-2019 của Ban Tổ chức T.Ư đã khiến cán bộ cũng như các cấp cơ sở thuộc diện sáp nhập không khỏi băn khoăn, tâm tư, bởi tại Khoản 2, Mục 3, III lại quy định: Đối với những Đảng bộ, cấp xã, cấp huyện và tương đương thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy có thể nhiều hơn so với quy định nhưng tối đa không vượt quá số lượng hiện hành (trừ các đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, nghỉ công tác hoặc luân chuyển công tác khác); tuy nhiên, đến đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì thực hiện số lượng theo quy định. Nếu theo quy định này, chỉ sau từ ba đến năm tháng sau sáp nhập là đến đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, thì số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư, ủy viên ban kiểm tra cấp ủy đã phải thực hiện theo quy định. Khi đó, một số cán bộ vừa mới được bố trí lại sau sáp nhập có cơ cấu cứng là cấp ủy như đã nêu ở trên lại không có chỗ để cơ cấu. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Lê Quốc Khánh cho biết: Nghệ An cũng đã có văn bản đề nghị Ban Tổ chức T.Ư xem xét lại quy định này cho phù hợp chủ trương tại NQ số 37-NQ/TW và NQ số 653/2019/UBTVQH14.

Bên cạnh đó, theo Phó Bí thư Huyện ủy Đức Thọ (Hà Tĩnh) Thái Ngọc Hải, để giải quyết ổn thỏa bài toán cán bộ, địa phương đang rà soát và xây dựng cụ thể lộ trình thực hiện sắp xếp, bố trí số lượng CBCC, người HĐKCT dôi dư sau sắp xếp theo chính sách, văn bản hướng dẫn của tỉnh. Tuy vậy, do thời gian bố trí cán bộ từ cấp trưởng xuống cấp phó (tại ĐVHC mới) hưởng nguyên chế độ không nhiều, vì có những tổ chức, đoàn thể đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2022 cho nên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của cán bộ. Ngoài ra, thời gian hưởng chính sách theo quy định giữa công chức và cán bộ còn có sự chênh lệch, khiến phần lớn cán bộ băn khoăn. Do đó, đề nghị tỉnh kéo dài thời gian để giải quyết chính sách đối với đội ngũ cán bộ dôi dư được thực hiện đến năm 2024 theo NQ số 653 của UBTVQH, thay vì kết thúc vào năm 2021 như quy định của tỉnh. Đồng thời, có lộ trình tiếp tục bố trí đội ngũ cán bộ không chuyên trách còn trẻ, có đủ bằng cấp chuyên môn, có năng lực trình độ để làm nguồn cán bộ lâu dài.

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách của địa phương hằng năm đã được bố trí cho các nhiệm vụ chi theo phương án của Trung ương. Việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã sẽ có nhiều vấn đề cần kinh phí giải quyết như: chính sách cho CBCC, người HĐKCT cấp xã dôi dư; hỗ trợ giải quyết công nợ; xây dựng, tu bổ hệ thống kết nối hạ tầng (đường, cầu, cống...) bảo đảm liên thông... cho nên ngân sách địa phương sẽ khó bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi phát sinh. Vì vậy, đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí, định mức cho việc thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC.

Hiện nay chưa có văn bản nào quy định việc giải quyết chế độ chính sách cho CBCC, người HĐKCT dôi dư sau sáp nhập. Do đó, đề nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ CBCC dôi dư sau sắp xếp, nhằm bảo đảm quyền lợi, khuyến khích những người có cống hiến lâu năm có nguyện vọng xin về hưu trước tuổi do sắp xếp ĐVHC. Sớm có thông tư hướng dẫn “đặc biệt” đối với các ĐVHC cấp xã sau sáp nhập, như việc bố trí tăng thêm tương ứng với số cấp phó (do bố trí cấp trưởng xuống làm cấp phó) có cơ cấu cứng là cấp ủy (như phó bí thư, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND...) cho phù hợp; thời gian thực hiện thông tư này không quá 5 năm. Các trưởng đoàn thể sau sáp nhập nếu phải làm cấp phó sẽ được giữ nguyên chế độ, phụ cấp cho đến hết nhiệm kỳ đại hội của đoàn thể đó...

Cùng với đó, các địa phương cần có phương án sử dụng hợp lý hoặc thanh lý số cơ sở hạ tầng kỹ thuật (trụ sở UBND, hội trường, trạm xá, trường học...) của những xã sáp nhập dôi dư bảo đảm đúng quy định. Chủ động triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ, không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.

* Bài 1: Những bước đi chủ động

-------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31-10-2019.