Tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông dư địa phát triển mới theo chiến lược được hoạch định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
KHU kinh tế Vũng Áng được xác định là một trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Hà Tĩnh, với chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho các nhà đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những bước tiến, đổi mới trong cải cách hành chính của Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư mà tỉnh đang dày công vun đắp.
Trong bảng đánh giá chỉ số cải cách hành chính của Hà Tĩnh, Ban Quản lý Khu kinh tế nằm trong nhóm đơn vị có kết quả chưa tốt. Lý giải nguyên nhân này, đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh nhận định, cơ chế “một cửa - tại chỗ” của đơn vị chưa thật sự phát huy hiệu quả cao nhất do công tác quản lý trên nhiều lĩnh vực của ban phụ thuộc vào việc ủy quyền của các cơ quan chuyên ngành.
Một số nhiệm vụ chưa được ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh giải quyết, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của các bộ, ngành trung ương, khiến quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bị kéo dài, chưa kịp thời tận dụng được cơ hội đầu tư.
Khung pháp lý về quản lý nhà nước tại các khu kinh tế hiện tại mới dừng ở cấp độ Nghị định của Chính phủ. Dự thảo Luật Khu kinh tế, Khu công nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng, một số quy định pháp luật có sự điều chỉnh, thay đổi, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực thi.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đánh giá, mặc dù được xác định là một trong tám khu kinh tế trọng điểm được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, nhưng nguồn vốn ngân sách đầu tư công do trung ương bố trí giai đoạn này nhỏ giọt, chỉ dừng ở mức 536 tỷ đồng, bằng 8,76% so với giai đoạn 2011-2015.
Do đó, các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải,... trong Khu kinh tế Vũng Áng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng một số dự án còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư,...
Liên quan việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo bảng xếp loại về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của VCCI, Hà Tĩnh thuộc top sau trong các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sở dĩ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá thấp chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Tĩnh trong năm qua là do các chỉ số về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số đào tạo lao động,... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nhận xét về tình trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Thắng cho rằng, một số đơn vị, địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Một số cán bộ, công chức chưa chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Sự phối hợp giữa một số sở, ngành với chính quyền cơ sở còn chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch lĩnh vực đất đai bị sai sót, ảnh hưởng đến việc tiếp cận đất đai, mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp,...
Nhận thức rõ những điểm yếu, hạn chế của mình trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương nỗ lực tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc đặt ra, góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh Phan Thành Biển cho biết, theo định hướng phát triển của tỉnh, Khu kinh tế Vũng Áng và thị xã Kỳ Anh phát triển dựa trên bốn trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó ưu tiên công nghiệp chế biến sau thép, có hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao, ít ảnh hưởng môi trường; cảng biển và logistics; năng lượng và sản xuất điện; thương mại dịch vụ, du lịch.
Để tạo ra không gian phát triển cho các trụ cột đó, thị xã Kỳ Anh sẽ tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ chủ trương, định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và thị xã Kỳ Anh, từ đó tập trung cao độ triển khai giải phóng mặt bằng; rà soát, thống kê và thu hồi đất các dự án chậm triển khai, tránh lãng phí tài nguyên đất; làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn, phục vụ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, công nhân, lao động đến đầu tư, lao động và định cư lâu dài tại địa phương.
“Thời gian tới, địa phương mong muốn các bộ, ngành trung ương quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư, kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, khu vực với Khu kinh tế Vũng Áng và thị xã Kỳ Anh; hoàn thành quy hoach chi tiết vùng đất, vùng nước và cảng biển Hà Tĩnh tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho Khu kinh tế Vũng Áng và thị xã Kỳ Anh”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kỳ Anh Phan Thành Biển nhấn mạnh.
Bên cạnh việc nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những bất cập, điểm yếu trong thu hút đầu tư, nhanh chóng có các giải pháp khắc phục, tháo gỡ, các đơn vị ở Hà Tĩnh nỗ lực không ngừng, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng cũng như trên địa bàn tỉnh.
Tính từ năm 2021 đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 22 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký quy đổi khoảng 3,336 tỷ USD, bằng 95,3% kế hoạch; thu hút mới 3,5 tỷ USD, cao gấp 8 lần so với tổng vốn đăng ký đầu tư mới của cả giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang nghiên cứu và xúc tiến đầu tư một số dự án sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế của khu vực và địa phương,…
Thời gian tới, trên cơ sở Quy hoạch Quốc gia cũng như Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm cơ hội lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, kinh doanh phù hợp với thế mạnh của mình và khai thác tối đa lợi thế vượt trội của địa phương. Tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng trọng yếu, nhất là lĩnh vực giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông, kinh tế số, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu,...