Việc cần làm trước sáp nhập đơn vị hành chính ở Lộc Hà

NDO - Theo phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đưa ra, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Lộc Hà sẽ được sáp nhập vào thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Như vậy, sau điều chỉnh đơn vị hành chính, huyện Lộc Hà sẽ không còn tên trên bản đồ hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc huyện nông thôn mới Lộc Hà.
Một góc huyện nông thôn mới Lộc Hà.

Trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính, rất nhiều vấn đề đặt ra ở huyện Lộc Hà cần có sự đồng tâm, chung tay tháo gỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và cũng như bà con nhân dân trên địa bàn.

Dấu ấn huyện mới

Đồng chí Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà chia sẻ: Huyện Lộc Hà được thành lập vào tháng 3/2007 trên cơ sở sáp nhập 6 xã bãi ngang của huyện Thạch Hà và 7 xã của huyện Can Lộc. Đây là những địa phương có điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế còn yếu kém, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, tác động thường xuyên của thiên tai ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh trên địa bàn. "Khó khăn là vậy, song sau 17 năm thành lập, đảng bộ và nhân dân huyện Lộc Hà đã từng bước vượt qua gian khó, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đáp ứng được kỳ vọng của của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn”. Đồng chí Nguyễn Thế Hoàn nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của huyện Lộc Hà, bằng sự cần cù, chịu khó, khát vọng vươn lên, bức tranh nông thôn ở huyện Lộc Hà đã bừng lên nhiều gam màu tươi sáng với nhiều điểm nhấn nổi bật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tăng 4,67 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%...

Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, nguồn lực huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt gần 2.900 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 331,4 tỷ đồng và hiến hàng nghìn m2 đất quy đổi ra tiền 84 tỷ đồng. Với những kết quả đó, đầu năm 2024, huyện Lộc Hà đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Sẵn cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết hợp với quy hoạch vùng gắn với quy hoạch khu vực ven đô và quy hoạch du lịch biển, đô thị mới Lộc Hà được kỳ vọng là một trong những điểm nhấn của hệ thống đô thị ven biển Hà Tĩnh trong tương lai.

Trăn trở trước ngày sáp nhập

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, các đồng chí lãnh đạo huyện Lộc Hà khẳng định: Chủ trương, phương án sáp nhập đơn vị hành chính của trung ương và tỉnh nhận được sự đồng tình, thống nhất cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh và điều chỉnh, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã liên quan là vấn đề tất yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Tuy vậy, trước những thay đổi mang tính bước ngoặc, không ít cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân bày tỏ nỗi trăn trở, tâm tư với những vấn đề cụ thể đặt ra. Đó là, việc sử dụng cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập, nếu tỉnh Hà Tĩnh không có phương án sắp xếp, xử lý kịp thời trụ sở, văn phòng làm việc của các cơ quan hành chính thì sẽ gây ra lãng phí hàng nghìn tỷ đồng; đô thị mới Lộc Hà đang trong quá trình phát triển, cần thêm động lực, “cú huých” mới để duy trì tốc độ đi lên…

Việc cần làm trước sáp nhập đơn vị hành chính ở Lộc Hà ảnh 1

Hiện nay, một số tồn động liên quan đến quản lý đất đai ở Lộc Hà vượt qua thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Đáng chú ý hơn cả, những tồn đọng trên lĩnh vực quản lý tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng liên quan đến quyền lợi của hàng trăm hộ dân ở Lộc Hà đã tồn tại từ nhiều năm qua ở địa phương này đến nay vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Ông Đào Ngọc Trác, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Lộc Hà thông tin, hiện nay, người dân đang rất bức xúc vì các tồn đọng này đang tác động sâu sắc đến đời sống hằng ngày của người dân. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cần rốt ráo xử lý dứt điểm nguyện vọng chính đáng của bà con, không để xảy ra những hệ lụy ngoài mong muốn.

Liên quan đến công tác cán bộ, qua tìm hiểu được biết, trước thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều cán bộ, công chức làm việc ở phòng, ban chuyên môn đã chủ động chuyển công tác, đề đạt nguyện vọng được luân chuyển về đơn vị mới, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và các phong trào khác của huyện từ nay đến khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính.

Đây sẽ là những thử thách không hề nhỏ đối với huyện Lộc Hà và tỉnh Hà Tĩnh trước thời điểm thực hiện phương án sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Lộc Hà, Nguyễn Thế Hoàn, trước yêu cầu, thực tiễn đặt ra, địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ổn định tư tưởng để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tối đa tâm huyết, năng lực, sở trường của mình đối với trọng trách được giao phó.

Đồng thời, huyện Lộc Hà cũng kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương liên quan bảo lưu kết quả tiếp nhận của nơi đến trong quá trình xử lý nguyện vọng xin luân chuyển cán bộ, công chức từ Lộc Hà sang đơn vị mới đến thời điểm tổ chức thực hiện phương án sáp nhập đơn vị hành chính.

Nếu phương án này không thực hiện được thì khi thiếu người địa phương mong muốn tỉnh sẽ điều động, bố trí cán bộ các sở, ngành theo chuyên môn đến làm việc có thời hạn ở Lộc Hà nhằm hỗ trợ các phòng, ban cấp huyện xử lý, thực hiện nhiệm vụ hàng ngày của người dân cho đến khi thực hiện chủ trương sáp nhập.

Cũng theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện Lộc Hà, đối với tồn đọng liên quan đến công tác quản lý tài chính, đất đai, giải phóng mặt bằng…, căn cứ trách nhiệm, thẩm quyền của xã, huyện, địa phương đã và đang nỗ lực giải quyết dứt điểm kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của bà con. Tuy nhiên, qua rà soát, địa phương thấy rằng, hiện nay một số tồn động ở Lộc Hà vượt qua thẩm quyền giải quyết của địa phương, vì vậy cần có sự tập trung vào cuộc của tỉnh, trung ương mới giải quyết căn cơ, thấu đáo vấn đề.