Hà Tĩnh tích cực dọn dẹp, xử lý môi trường sau mưa lũ

NDO - Những ngày qua, dưới tác động của mưa lớn, cùng với việc thủy điện Hố Hô xả lũ, đã khiến nhiều địa phương ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc… bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Ngay khi nước rút, các cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Mầm non Hương Đô huy động lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ.
Trường Mầm non Hương Đô huy động lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ.

Huyện Hương Khê là địa bàn chịu tác động lớn nhất của đợt mưa lũ vừa qua, mưa lũ đã làm 4.358 nhà dân, 4.652 giếng nước sinh hoạt, 7 trường học, 1 trụ sở ủy ban nhân dân, cùng hàng chục ngàn chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh bị ngập...

Mặc dù mưa lũ đã tác động sâu sắc đến đời sống người dân nơi đây, tuy nhiên, với tinh thần chủ động, kinh nghiệm ứng phó với thiên tai của người dân vùng "rốn lũ", ngay sau khi nước rút, bà con nhân dân trên địa bàn đã nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Hương Đô (Hương Khê) cho biết, dù đã chủ động kê cao, di dời tài sản đến nơi khô ráo, tuy nhiên do lượng mưa quá lớn, cộng với thủy điện Hố Hô xả nước hối hả, nên nước lũ lên rất nhanh khiến một số vật nuôi, hàng hóa, thiết bị điện bị cuốn trôi hư hỏng.

"Ngay trong ngày 31/10, khi nước lũ bắt đầu rút, gia đình chúng tôi đã quay trở lại nhà để kiểm kê đồ đạc, dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống", anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

Hà Tĩnh tích cực dọn dẹp, xử lý môi trường sau mưa lũ ảnh 1
Đoàn công tác CDC Hà Tĩnh giám sát xử lý nguồn nước sinh hoạt tại xã Lộc Yên (Hương Khê).

Cũng với tinh thần nước rút đến đâu, tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó, các giáo viên trường mầm non xã Hương Đô cũng tranh thủ chạy đua với thời gian để dọn dẹp trường học, đón học sinh trở lại trường.

Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Đô Nguyễn Thị Hoài Thương cho biết, trong đợt lũ vừa qua, các phòng học đều bị ngập sâu hơn 1m, bùn đất phủ kín nền nhà, bàn ghế, nhiều vật dụng học tập cũng bị ngâm nước. Ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút, nhà trường đã huy động giáo viên đến dọn dẹp, vệ sinh, lau chùi phòng học, bàn ghế, thau rửa sân trường để dạy học trở lại. Trời nắng nên công việc vệ sinh trường lớp cũng khá thuận lợi, nhanh khô ráo.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hoài Thương, khác với công việc dọn dẹp, vệ sinh ở hộ gia đình, sau lũ, nhà trường ngổn ngang rác thải, nhiều khu vực ngập trong bùn đất, trong khi đó, nhiều giáo viên, phụ huynh đang bị nước lũ cô lập, nhà trường không thể huy động được tối đa lực lượng để dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, thành ra thời gian khắc phục hậu quả mưa lũ ở nhà trường bị kéo dài với khối lượng khá lớn.

Hà Tĩnh tích cực dọn dẹp, xử lý môi trường sau mưa lũ ảnh 2

Lực lượng đoàn viên huyện Hương Khê hỗ trợ các trường học dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau lũ.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê Phan Quốc Thanh cho biết: Mưa lớn trong 2 ngày 30 và 31/10 đã làm ngập lụt 7 trường học trên địa bàn, trong đó có 6 trường ngập nặng. Để khắc phục tình hình, sớm đón học sinh trở lại trường, với phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó nên nhà trường, chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ trong việc dọn vệ sinh, phong quang trường lớp.

Cùng với việc tích cực dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê đề nghị hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình thời tiết để có kế hoạch dạy học phù hợp, bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Đồng thời, chủ động báo cáo với chính quyền địa phương, phối hợp các lực lượng hỗ trợ khắc phục sau mưa lũ nhằm sớm ổn định tổ chức dạy học; có phương án hỗ trợ học sinh học tập, củng cố kiến thức sau khi mưa lũ kết thúc.

Sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, nhất là các dịch bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh ngoài da...

Giám đốc CDC Hà Tĩnh Nguyễn Chí Thanh

Với phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) đã cử đoàn công tác đến vùng lũ để kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau lũ.

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh, cho biết, sau mưa lũ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, nhất là các dịch bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh ngoài da... Vì vậy, đơn vị đã đề nghị Trung tâm Y tế các địa phương cần tập trung lực lượng, phối hợp chính quyền địa phương, trạm y tế xã ra quân xử lý môi trường và nước sinh hoạt cho nhân dân ngay sau khi nước rút.

Cùng với đó, chú trọng vệ sinh các khu vực chuồng trại chăn nuôi tại các hộ gia đình; chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân huyện bố trí kinh phí để mua hóa chất xử lý môi trường và Cloramin B nhằm kịp thời cấp phát cho địa phương người dân vùng ngập lụt xử lý môi trường, nước sinh hoạt khi cần thiết.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, CDC Hà Tĩnh đã chủ động cấp bổ sung 350kg Cloramin B và 55.000 viên Aquatab khử khuẩn nước sạch sinh hoạt cho huyện Hương Khê. Ngoài ra, CDC Hà Tĩnh cũng đã cấp 689.000 viên Aquatab khử khuẩn cho các huyện, thị xã, thành phố.

Tính đến sáng ngày 1/11/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn 11.265 học sinh ở 2 huyện Hương Khê và Vũ Quang chưa thể đến lớp.