Hà Tĩnh nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm

Cùng với việc xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tỉnh Hà Tĩnh nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Du lịch được xác định là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm của Hà Tĩnh. (Trong ảnh, một góc khu du lịch biển Xuân Thành, Nghi Xuân)
Du lịch được xác định là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm của Hà Tĩnh. (Trong ảnh, một góc khu du lịch biển Xuân Thành, Nghi Xuân)

Ngày 8/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tỉnh).

Hà Tĩnh là địa phương thứ hai trong cả nước (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh bởi quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cho biết, với mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước,

Quy hoạch tỉnh đã vạch rõ những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 4 ngành kinh tế trọng điểm, gồm công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ, logistics; du lịch.

Quy hoạch tỉnh đã vạch rõ những định hướng lớn tạo đột phá phát triển với 4 ngành kinh tế trọng điểm, gồm: công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ, logistics; du lịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà

Cùng với việc định hướng phát triển 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế, Quy hoạch tỉnh cũng xác định 4 nền tảng chính để thực hiện các mục tiêu là nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch. Trong đó, khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đã lấy yếu tố con người là nội lực quyết định, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; xác định được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh. Quy hoạch chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số, tránh trùng lặp với các địa phương lân cận.

Hà Tĩnh nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm ảnh 1

Khu liên hợp gang thép Formosa và cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương được xem là hạt nhân của động lực tăng trưởng cho Hà Tĩnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà, cùng với việc tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xúc tiến đầu tư được tổ chức từ ngày 26-28/5/2023, tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển trọng điểm, lập danh sách các dự án cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch; rà soát, bãi bỏ, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp quy hoạch tỉnh và các quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và huy động cao nhất nguồn lực thực hiện quy hoạch; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng, điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo; hoàn thiện thủ tục đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh,…

Tỉnh cũng giao các cơ quan, sở, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch, hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Định hướng phát triển của Hà Tĩnh 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà; Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận; Trung tâm đô thị phía nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.

Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển; Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo; Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương.

Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.