“Chìa khóa” phát triển của Hà Tĩnh

Từ một địa phương gặp bộn bề khó khăn, tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước vươn lên và trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ. Bên cạnh việc kế thừa, điều chỉnh đường hướng phát triển phù hợp thực tiễn địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đề cao yếu tố con người, coi khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực; phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh để hiện thực hóa khát vọng, ý chí vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Hà Tĩnh hôm nay. (Ảnh HUY TÙNG)
Một góc thành phố Hà Tĩnh hôm nay. (Ảnh HUY TÙNG)

Ðến nay, quy mô nền kinh tế Hà Tĩnh đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 15 lần so năm 2004, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao qua các giai đoạn, tính chung cả thời kỳ 2005-2020 đạt hơn 10%/năm. Năm 2004, thu ngân sách của Hà Tĩnh đạt 400 tỷ đồng, đến năm 2021 đã lên gần 17.000 tỷ đồng.

Tạo nền tảng phát triển

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Ðể có được kết quả này, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân nơi đây đã bền bỉ vượt khó, cầu thị để gây dựng niềm tin cho từng giai đoạn. Những câu chuyện về hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 2.000ha đất, di dời 4.500 hộ dân trong vòng 10 tháng; phong trào những ngày thứ bảy toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới,… là minh chứng rõ nét cho quyết tâm nói và làm của con người ở vùng đất khó.

Theo Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh Hoàng Thanh Tùng, sau khi nhận thấy vị trí đắc địa của Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp, nhất là các “sếu đầu đàn”, với những “siêu dự án” quy mô hàng triệu USD, đóng vai trò dẫn dắt, mở đường cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Khu kinh tế Vũng Áng đã đáp ứng được niềm mong mỏi, kỳ vọng đó khi trở thành động lực phát triển của tỉnh, với gần 100 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 60.000 tỷ đồng và 60 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký gần 16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.

Một số dự án đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như của khu vực Bắc Trung Bộ như Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, công suất giai đoạn 1 đạt 7,5 triệu tấn thép, tổng vốn đầu tư 12,7 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200MW, tổng mức đầu tư 1,25 tỷ USD,…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Tĩnh Trần Việt Hà thông tin thêm: Hiện nay, Tập đoàn One Energy (Hồng Kông, Trung Quốc) và các đối tác đang tích cực triển khai đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD (dự kiến đưa vào vận hành thương mại năm 2025). Tập đoàn Vingroup sắp hoàn thành Nhà máy Pin VinES, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và đang tiếp tục đề xuất dự án sản xuất và thương mại công nghệ pin Lithium tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng, khu công nghiệp định hướng sản xuất, lắp ráp ô-tô và thiết bị linh kiện ô-tô hơn 9.000 tỷ đồng. Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn cũng bày tỏ sự quan tâm và khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp hữu cơ.

Cùng với sản xuất công nghiệp, trụ đỡ nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục được gia cố với 98% xã và 9/13 huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hà Tĩnh là tỉnh duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đến giao dịch hành chính, tìm hiểu cơ hội đầu tư, công tác cải cách hành chính thường xuyên được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện.

Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 60 năm 2006, tăng lên vị trí thứ 27 năm 2021; chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của Hà Tĩnh xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc, tăng 19 bậc so năm 2012 và là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay. Ðặc biệt trong 5 năm liên tục (2016-2019), tỉnh luôn xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 đến nay luôn thuộc tốp đầu khu vực.

“Chìa khóa” phát triển của Hà Tĩnh ảnh 1
Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ ở huyện Ðức Thọ.

Con người là trung tâm

Chia sẻ về định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định: Tỉnh nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững: lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết tỉnh chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy phục vụ nhân dân, trăn trở với chuyên môn, trách nhiệm trong tham mưu nhiệm vụ. Cán bộ phải biết nhận sai và sửa sai; biết bàn thảo dân chủ, sử dụng trí tuệ tập thể; có đủ dũng khí để quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm trước mọi công việc, luôn đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của quần chúng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Thực tiễn ở Hà Tĩnh thời gian qua cho thấy, khi cán bộ, đảng viên luôn trăn trở với những điều nhân dân đang trăn trở thì những quyết sách, việc làm đều hướng đến mục tiêu chăm lo cho nhân dân. Theo chia sẻ của nhiều người dân trên địa bàn, nếu cán bộ không suy tư lo lắng về đời sống của người dân vùng thiên tai, lũ lụt thì sẽ không có 3.500 ngôi nhà ở cho gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn và 43 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú thiên tai có giá trị hơn 325 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa trong hai năm qua. Theo đánh giá của các thế hệ lãnh đạo tỉnh cũng như nhận định của đông đảo nhân dân, quyết sách đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 đưa ra sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh về các giải pháp ứng phó, phòng, chống thiên tai đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực, với nhiều giá trị nhân văn, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ với dấu ấn, đặc trưng của vùng đất, văn hóa Hà Tĩnh.

Mặc dù thường xuyên phải đối mặt những thách thức do biến đổi khí hậu, song chỉ số phát triển con người như tuổi thọ, cơ cấu dân số, nguồn lực con người, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Hà Tĩnh vẫn từng ngày thay đổi với chiều hướng tích cực. Ðời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn giảm sâu, từ 39% xuống còn hơn 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ tăng từ 20% lên 62%. Hà Tĩnh luôn có những sáng tạo, đột phá trong huy động mọi nguồn lực để chăm lo đời sống nhân dân.

Người Hà Tĩnh dù đi đâu, ở đâu cũng có xu hướng tìm đến nhau, kết nối đồng hương, một lòng đau đáu về quê hương. Nhớ lại giai đoạn người dân cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19, dù còn rất khó khăn, song hình ảnh từng đoàn xe từ Hà Tĩnh vẫn nối đuôi nhau chở hơn 1.300 tấn lương thực, thực phẩm vào hỗ trợ, tiếp sức cho bà con miền nam đã để lại nhiều ấn tượng xúc động. Rồi tỉnh lên kế hoạch, tổ chức các chuyến bay, tàu hỏa, ô-tô đón gần 5.000 công dân là thai phụ, học sinh, người lao động từ miền nam trở về quê đùm bọc che chở; đồng thời, cử các đoàn cán bộ y tế hỗ trợ tỉnh Nghệ An và Bình Dương chống dịch,… Những việc làm đầy nghĩa tình đó khiến người ta càng thêm trân quý giá trị nhân văn, sâu sắc của miền đất, con người Hà Tĩnh.