Lợi thế khác biệt
Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh Hoàng Thanh Tùng cho biết, Vũng Áng là khu vực có vị trí trung tâm kết nối của đường biển và hệ thống đường bộ quốc gia đối với các khu kinh tế ven biển Bắc Trung Bộ và cả nước.
Vũng Áng nằm trên trục giao thông quốc gia, Quốc lộ 1A chạy qua trục trung tâm khu kinh tế với chiều dài 30km, Quốc lộ 12C nối cảng Vũng Áng đến biên giới Việt-Lào ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác.
Với vị thế đắc địa của cụm cảng biển nước sâu nhất Việt Nam được hình thành trên hành lang của tuyến hàng hải quốc tế với luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý), cửa ngõ ra biển gần nhất của Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Hệ thống cảng biển Vũng Áng-Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan, gồm bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 300 nghìn tấn, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150 nghìn tấn, tàu tổng hợp và container trọng tải nghìn tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Theo định hướng phát triển, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ được trở thành trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế.
Trong đó, trung tâm logistics Vũng Áng (giai đoạn 1) công suất 16,3 triệu tấn/năm; trung tâm logistics Sơn Dương (giai đoạn 2) công suất 22,5 triệu tấn/năm. Với những lợi thế đó, Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong tám khu kinh tế trọng điểm ven biển của quốc gia, khu kinh tế đa ngành, trọng tâm là sản xuất thép, các sản phẩm sau thép, sản xuất điện, dịch vụ cảng biển và logistics…
Hiện, khu kinh tế có 153 dự án, gồm 56 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD; 97 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 60 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh vẫn là dự án FDI quy mô lớn nhất Việt Nam, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp khoảng 31% GRDP cho địa phương và tạo việc làm cho hơn 17 nghìn lao động.
Trong năm nay, khi hai nhà máy sản xuất pin có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, hai nhà máy nhiệt điện tại Vũng Áng đi vào hoạt động, thì chỉ số phát triển công nghiệp cũng như kết quả thu ngân sách sẽ tiếp tục tăng trưởng rất khả quan.
Đồng bộ hệ thống hạ tầng
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định Khu kinh tế Vũng Áng, với hạt nhân là khu liên hợp Gang thép Formosa, cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh. Vũng Áng cũng được xác định là nơi hội tụ của hai trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm, một trong ba đô thị trung tâm và là một trong ba hành lang kinh tế tạo bước đột phá của tỉnh.
Theo chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, đà tăng trưởng tại Vũng Áng cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư từ ngân sách trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu thực tế.
Vì vậy, kết cấu hạ tầng khu kinh tế còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu tại đây như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải, thông tin... Một số khu chức năng chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối, hạ tầng thiết yếu… chưa đồng bộ.
Theo Bí thư Thị ủy Kỳ Anh Đặng Văn Thành, quy hoạch chung khu kinh tế, quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh chưa dành nhiều quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, các khu vực lân cận quy hoạch công nghiệp đa phần nhỏ lẻ, manh mún; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn...
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã sớm nhận diện những khó khăn nêu trên và đang rốt ráo tìm cách gỡ khó bằng việc ban hành, thực hiện các chủ trương, chính sách gỡ khó. Tuy vậy, theo đánh giá, chỉ mỗi nỗ lực, quyết tâm của tỉnh là chưa đủ bởi việc huy động nguồn lực đầu tư lớn; điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng cần phải có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ Trung ương.
Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của khu kinh tế đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Hà Tĩnh cần chủ động phối hợp cùng các nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn, có tiềm lực thật sự, dự kiến đưa các dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có tính động lực phát triển kinh tế, trong đó, tập trung vào Khu kinh tế Vũng Áng để đưa vào chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của Chính phủ.
Trong đó cần ưu tiên phát triển cảng tổng hợp Sơn Dương, một trong những điểm cảng có lợi thế hàng đầu của việc giao thương kinh tế quốc tế và các nước trong khu vực ASEAN.