Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh, năm 2023 tỉnh Hà Tĩnh triển khai các nhiệm vụ phát triển trong bối cảnh có những thuận lợi và thời cơ nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Tuy vậy, tỉnh đã kịp thời bổ sung, thực hiện các giải pháp lãnh đạo, điều hành thực hiện phù hợp với thực tiễn, ban hành các cơ chế, chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước... Nhờ đó, địa phương đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy có hiệu quả quyết tâm, nguồn lực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Hà Tĩnh quyết liệt gỡ khó, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hà Tĩnh đạt 8,05%. Hà Tĩnh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước về tốc độ tăng trưởng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hà Tĩnh đạt 8,05% (đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.442 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 50.200 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch, tăng 24% so năm 2022 nhờ giải ngân cao từ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, một số dự án đóng góp vốn đầu tư đáng kể như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, cao tốc Bắc Nam, các nhà máy pin của Vingroup.
Những kết quả đạt được cho thấy, nền kinh tế đã giữ được xu hướng phục hồi, công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, có thêm nhân tố tăng trưởng mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh
Trong năm, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 18 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký 1.727 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài tổng vốn 70 triệu USD...
Những kết quả đạt được cho thấy, nền kinh tế đã giữ được xu hướng phục hồi, công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, có thêm nhân tố tăng trưởng mới, nông nghiệp được mùa, du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh. Thu nội địa vượt kế hoạch đề ra và có xu hướng giảm phụ thuộc vào thu tiền sử dụng đất. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá; xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, thời gian qua, quá trình triển khai một số dự án công nghiệp lớn còn vướng mắc về hồ sơ thủ tục. Liên kết mô hình sản xuất nông nghiệp giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá cả, thị trường thiếu ổn định; mưa lũ gây nhiều thiệt hại.
Sản xuất nông nghiệp năm 2023 của Hà Tĩnh được đánh giá là năm được mùa khá toàn diện. |
Xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có biểu hiện chững lại, thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới còn khó khăn, nhất là nguồn lực. Du lịch phục hồi nhanh nhưng chưa tận dụng được tối đa cơ hội sau đại dịch, các hoạt động chủ yếu tập trung trong các kỳ nghỉ lễ. Xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chịu ảnh hưởng mạnh do tuyến đường lên cửa khẩu phía Lào bị sạt lở do mưa lũ...
Một số chỉ tiêu phát triển năm 2024 của Hà Tĩnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/năm; Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 48.000 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.500 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 8.100 tỷ đồng; thu xuất, nhập khẩu 9.400 tỷ đồng.