Hà Tĩnh quyết liệt gỡ khó, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

NDO - Mặc dù đã nỗ lực chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm trên địa bàn, tuy nhiên tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh vẫn còn chậm và đang đối mặt với không ít khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty xây lắp 368 tập trung nhân lực, máy móc phấn đấu hoàn thành khối lượng đào đắp đường An Viên Mỹ Thành trước mùa mưa.
Công ty xây lắp 368 tập trung nhân lực, máy móc phấn đấu hoàn thành khối lượng đào đắp đường An Viên Mỹ Thành trước mùa mưa.

Do đó việc đánh giá đúng tình hình, nhận diện rõ những hạn chế và kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đang được các cấp ủy, chính quyền ở Hà Tĩnh nhanh chóng triển khai.

Tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại thời điểm tháng 5/2022, Hà Tĩnh là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước và thấp nhất 5 tỉnh Bắc Trung Bộ, với tỷ lệ giải ngân đạt 6,83%. Đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có sự tăng trưởng khi đạt 32,6% kế hoạch, tuy nhiên theo đánh giá tại thời điểm này nhiều nguồn vốn giải ngân chưa đạt yêu cầu (vốn ODA chỉ đạt 6,3% kế hoạch, vốn ngân sách tỉnh đạt 5,5% kế hoạch,...)

Nhận diện những khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác của UBND tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Với cách làm này, tính đến ngày 5/8/2022, các địa phương, đơn vị đã giải ngân được 3.000/7.600 tỷ đồng kế hoạch vốn được phân bổ, đạt tỷ lệ 40,6%.

Theo chia sẻ của đại diện các chủ đầu tư, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Tĩnh trong 8 tháng đầu năm đã có sự cải thiện đáng kể song kết quả này vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước, cá biệt tỷ lệ giải ngân vốn của nhiều địa phương trong 8 tháng đầu năm 2022 mới chỉ đạt từ 6-12% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh điều kiện thời tiết những tháng cuối năm ở Hà Tĩnh thường xuyên có diễn biến khó lường, việc không tận dụng được khung “thời gian vàng” đầu năm sẽ tác động rất lớn đến tiến độ thi công các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đưa ra, chậm nhất đến ngày 30/9/2022 các địa phương, đơn vị trên địa bàn phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tiễn công tác chuẩn bị đầu tư, những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án, tình trạng dự án chờ mặt bằng… cho thấy rằng mục tiêu này sẽ khó hoàn thành. Kéo theo đó, kỳ vọng về hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ từ các dự án đầu tư công đến nền kinh tế đang hồi phục, tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 sẽ chậm được hiện thực hóa.

Bên cạnh những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, qua tìm hiểu được biết, đến thời điểm hiện nay, tiến độ xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo Đề án thí điểm xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 chưa có sự bứt phá.

Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, một số địa phương, đơn vị đã có biểu hiện chững lại, vì vậy kết quả chung trong toàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiều địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, khối lượng thực hiện đạt thấp so với giai đoạn trước, việc cụ thể hóa các Nghị quyết, Kế hoạch còn thiếu cụ thể, hiệu quả chưa cao, chưa bám theo mục tiêu, nội dung của Đề án xây dựng tỉnh nông thôn mới và các Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Một số sở, ngành đến nay chưa ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; việc khâu nối, làm việc với các bộ, ngành Trung ương còn hạn chế.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Hà Tĩnh quyết liệt gỡ khó, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ảnh 1
Điều kiện khí hậu, địa hình bất lợi gây ra nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh.

Lý giải về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Ngoài các nguyên nhân khách quan như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao đột biến, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản phải qua nhiều bước, cần nhiều thời gian để chuẩn bị; cơ chế phân bổ, điều chuyển một số nguồn vốn chưa linh hoạt; các dự án ODA còn phát sinh nhiều thủ tục đầu tư theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài....

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các yếu tố chủ quan, nhất là những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; đề xuất nhu cầu vốn chưa sát với khả năng thực tế giải ngân.

Mặt khác, công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế thi công, đấu thầu dự án chậm, giải phóng mặt bằng chưa kịp thời; việc giám sát chất lượng công trình, tiến độ thực hiện chưa hiệu quả; công tác thanh, quyết toán vốn đầu tư chậm; sự phối hợp và chỉ đạo, điều hành, thẩm định, phê duyệt ở một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao.

Để khắc phục tình trạng này, các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải xác định việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh thực hiện quyết toán dự án đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Tập trung thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường quyết toán dự án đầu tư trên địa bàn.

Đưa nội dung chỉ đạo triển khai giải ngân vào nội dung các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, vào chương trình công tác hằng tháng; lấy kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu.

Về các giải pháp xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trần Thế Dũng nhấn mạnh: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thỏa mãn. Cần xác định xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tập trung đi vào chiều sâu, bền vững, gắn với đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy cao sự chủ động, sáng tạo của người dân và hệ thống chính trị cơ sở.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương khẩn trương soát xét việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới bảo đảm nội dung, lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể, phù hợp điều kiện thực tiễn của ngành, địa phương và gắn chặt với các mục tiêu, nội dung, tiêu chí tỉnh nông thôn mới.

Huy động, ưu tiên và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để hoàn thiện các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các Chương trình Mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn…