Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ở Hà Tĩnh

Vụ xuân 2023 được xem là năm Hà Tĩnh tập trung cao cho các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông thôn mới. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để ngành nông nghiệp Hà Tĩnh thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ lực, thực hiện thành công về chuyển đổi ruộng đất và nâng cao các chuỗi giá trị sản xuất, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng cơ giới hóa rút ngắn thời gian sản xuất.
Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng cơ giới hóa rút ngắn thời gian sản xuất.

Cơ cấu giống chất lượng, thời vụ đồng nhất

Đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã cơ bản hoàn thành vụ thu hoạch lúa xuân 2023. Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Huyện Đức Thọ gieo cấy hơn 6.400ha lúa, cơ cấu các loại giống chủ lực, chất lượng và giá trị thương phẩm đạt cao gồm: Nếp 98, VNR 20, Bắc Thịnh, Lai Thơm 6, Thái Xuyên... Nhờ chủ động sản xuất, bổ cứu phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch đúng thời vụ mà năng suất lúa năm nay khá đồng đều, toàn diện ở tất cả các địa phương".

Đối với vựa lúa Cẩm Xuyên, thời vụ gieo cấy vụ xuân 2023 bám sát khung kế hoạch của tỉnh từ ngày 10/1 đến 8/2 nên lúa trổ tập trung, vào thời điểm thuận lợi nhất từ ngày 20-28/4.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà, ngoài thời vụ gieo cấy, huyện khoanh vùng, dự báo sát diễn biến của bệnh trên các trà lúa nhất là bệnh đạo ôn; tập trung tổ chức tập huấn phun phòng trừ về tận thôn. Vì thế, Cẩm Xuyên về đích vụ lúa quan trọng nhất năm với năng suất trung bình ước đạt 61,8 tạ/ha, xác lập kỷ lục năng suất lúa vụ xuân cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn.

Cùng với lịch thời vụ phù hợp, có thể khẳng định rằng, bộ giống sản xuất trên đồng ruộng Hà Tĩnh thời điểm này khá ưu việt, chất lượng tốt, năng suất ổn định. Nhóm giống đại trà như Nếp 98, Nếp 87, KD ĐB, Khang Dân 18, HT1, Nhị ưu 838, Xuân Mai 12, TH3-3, TH3-5, Thái Xuyên 111, Bắc Thịnh, BT09, RVT, PC6... chiếm gần 55% diện tích gieo cấy.

Nhóm giống có tiềm năng về năng suất chiếm 23,19% tổng diện tích gieo cấy, bao gồm: VNR20, ADI168, LP5, BQ, Lai Thơm 6, QP5, VNR10, Long Hương 8117, ADI28.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, vụ xuân 2023 được đánh giá là vụ mùa thắng lợi về năng suất, chất lượng lúa. Năng suất bình quân đạt khoảng 58,96 tạ/ha, cao hơn 2,96 tạ/ha so với vụ lúa xuân 2022 và phá vỡ mọi kỷ lục về năng suất trước đó.

Các vựa lúa lớn của toàn tỉnh với trình độ thâm canh cao như Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà... tiếp tục là nhóm giữ tốp đầu toàn tỉnh với năng suất bình quân từ 60-64 tạ/ha.

Đột phá trên những cánh đồng thửa lớn

Cánh đồng sản xuất rộng hơn 50ha của thôn Hoa Thám, xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) vào mùa lúa gặt được trải thảm vàng óng như rót mật. Đây là vụ thu hoạch đầu tiên trên cánh đồng không còn ranh giới của ô, thửa sau đợt chuyển đổi ruộng đất lần 3 gắn với cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện từ đầu tháng 10/2022 theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ông Võ Kim Đức, Bí thư chi bộ thôn Hoa Thám vui mừng chia sẻ: "Năng suất lúa toàn thôn trung bình đạt hơn 3,5 tạ/sào, không còn diện tích bỏ hoang, giảm chi phí máy gặt (khoảng 40 nghìn đồng/sào), giảm thời gian thu hoạch ba đến bốn ngày do đồng liền thửa, bằng phẳng... Những kết quả thấy rõ được trong thực tiễn sản xuất làm nông dân thêm tin tưởng vào chủ trương lớn".

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, tổng diện tích phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn và tập trung, tích tụ ruộng đất lũy kế đến vụ xuân 2023 là 10.669,63ha.

Vụ xuân 2023 được xem là năm tỉnh tập trung cao cho các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông thôn mới.

Đây chính là đòn bẩy quan trọng để ngành nông nghiệp Hà Tĩnh thể hiện vai trò ngành kinh tế chủ lực, thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi ruộng đất và nâng cao các chuỗi giá trị sản xuất, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Vụ xuân 2023 là vụ sản xuất đầu tiên đưa chủ trương lớn của Nghị quyết số 06-NQ/TU đi vào thực tiễn, tạo sức bật mới cho nền nông nghiệp của Hà Tĩnh. Những cánh đồng lớn đều bội thu, chất lượng lúa đồng đều, có giá trị thương phẩm cao. Hướng đi này cho phép tập trung áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, sử dụng một đến hai giống có năng suất, chất lượng cao/cánh đồng; việc ứng dụng cơ giới hóa, điều tiết nước thuận lợi hơn nên thời gian sản xuất rút ngắn, giảm chi phí cho nông dân. Cùng với đó, các địa phương nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai, gắn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp".